Giúp người dân vùng lũ chữa bệnh ngoài da

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày sống chung với úng ngập, nhiều dịch bệnh dễ “tấn công” người dân như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp và các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, thương hàn… Đặc biệt, bệnh nước ăn chân tưởng như đơn giản nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Khám cho người dân bị nước ăn chân tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Mai Trang
Mất ngủ vì nước ăn chân
Đến nay, các xã nằm trong vùng “rốn ngập” tại huyện Chương Mỹ, Quốc Oai cơ bản nước đã rút. Tuy nhiên, do đi lại trong nước nhiều ngày, tại huyện Chương Mỹ ghi nhận hơn 150 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ngoài da, chủ yếu bị nước ăn chân.
Tại huyện Mỹ Đức cũng có hơn 100 người dân đến khám tại các trạm y tế vì căn bệnh này. Riêng tại huyện Quốc Oai, con số này lên tới hơn 1.000 người. Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, hơn 10 ngày ngập, nước tràn lên cả nhà, suốt ngày phải lội nước để đi lại nên bà bị nước ăn chân gây ngứa ngáy khó chịu. Chồng bà Sáu, ông Nguyễn Tất Sáng cũng đang phải bôi thuốc xanh lét hai bàn chân để điều trị căn bệnh khó chịu này. Ông Sáng kể, ông bị nước ăn chân từ đợt nước còn chưa rút xuống, cũng may có cán bộ y tế thôn phát cho thuốc bôi, nếu không đêm không ngủ được vì khó chịu, bứt rứt.

Đã cẩn thận mỗi tối trước khi đi ngủ bà Duyên (thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) đều rửa chân bằng nước sạch vì lo ngại bệnh ngoài da, nhưng nước chưa rút hết bà Duyên cũng bị nước ăn chân. Cháu nội bà Duyên đang đợt nghỉ hè ở nhà, là người ít khi phải lội nước ngập nhất cũng không tránh khỏi. “Hôm rồi có bác sĩ ở trên TP về, cả 2 bà cháu tôi đều được khám và lấy thuốc. Cũng may bôi thuốc mấy hôm bệnh giảm đi nhiều rồi” – bà Duyên chia sẻ.

Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội Nguyễn Quốc Hưng cho biết, nguyên nhân của bệnh nước ăn chân là do nấm ký sinh thuộc họ Trichophyton gây ra. Những khu vực bị ngập úng, nước dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, vi nấm), nhất là những chỗ bùn lầy. Bệnh chủ yếu lây truyền ở những khu vực vi nấm bám vào da ẩm ướt ở bàn chân, nhất là vùng da ở các kẽ ngón chân, ngón tay... Khi bị nhiễm vi nấm, ngứa là biểu hiện đầu tiên do da bị tổn thương. Gãi khiến da bị phồng rộp, trầy xước, loét làm đau đớn, sưng nề, viêm. Nếu vùng da này bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh sẽ làm cho viêm tấy, mưng mủ. Lúc này toàn cơ thể có thể bị sốt, mệt mỏi, nổi hạch bẹn.

Bôi thuốc đúng cách

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, tại các xã bị ảnh hưởng, Bệnh viện Da liễu Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm y tế các huyện tổ chức các đoàn khám cho người dân. Theo bác sĩ Hưng, điều trị nước ăn chân thường dùng các thuốc bôi vào vùng da bị tổn thương như: Dung dịch BSI 2% (còn gọi là cồn hắc lào, thành phần gồm: acid benzoic, acid salicylic, iod và cồn 70 độ).
Dung dịch BSI chỉ được dùng ngoài da nhưng cần tránh làm dây thuốc lên mắt, môi, niêm mạc, hậu môn, cơ quan sinh dục, vùng da nứt nẻ hay trên diện rộng. Cồn ASA (thành phần gồm: acid acetylsalicylic, natri salicylat pha trong cồn 70 độ). Dung dịch này có tác dụng tốt đối với các bệnh nấm da như hắc lào, lang ben, nấm móng, nước ăn chân, tay bằng việc bôi trực tiếp thuốc lên vùng da bị bệnh. Có thể bôi các loại thuốc mỡ chứa kháng sinh chống nấm như: nizoral, canesten, ketoconazol, ticonazol... Cần lau sạch, làm khô vết thương trước khi bôi thuốc. Nếu tổn thương nặng có thể kết hợp với uống thuốc chống nấm như griseofulvin, nizoral hoặc sporal…

Bên cạnh điều trị nước ăn chân, cuối tuần qua, tại các vùng nước rút, chính quyền địa phương đã huy động các đoàn thể phối hợp với cán bộ y tế rắc vôi bột khử trùng. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, đến thời điêm này chưa xuất hiện các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và ngộ độc thực phẩm tại các vùng ngập, các bệnh đau mắt đỏ, bệnh da liễu chỉ xuất hiện đơn lẻ và đã được khám cấp thuốc điều trị kịp thời. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị bảo đảm cơ số thuốc, hóa chất, công tác khám chữa bệnh, duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại đơn vị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần