Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy (MT)” là mô hình đang được triển khai thí điểm tại 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm thuộc TP Hà Nội.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) kỳ vọng chương trình sẽ giúp người nghiện MT không bị nặng hơn và tăng khả năng hòa nhập cộng đồng.
 Ảnh minh họa
Sự bắt tay giữa công an và y tế

Thưa bà, chuyển gửi người tham gia cai nghiện MT có sự khác biệt gì so với các mô hình cai nghiện trước đây?

- Tính ưu việt của mô hình này gồm hai điểm. Đó là phối hợp của công an với lực lượng chuyên môn và có sự đầu tư cho lực lượng chuyên môn làm công tác điều trị, thay vì trước đây làm theo kiểu phong trào. Sự khác biện lớn nhất ở mô hình này chính là công an trực tiếp chủ động chuyển gửi người sử dụng MT, người nghiện đến hệ thống dịch vụ điều trị, cai nghiện MT. Bởi từ trước đến nay, phía ngành y tế tổ chức các nhóm đồng đẳng thu hút những người sử dụng MT tham gia chương trình phòng chống HIV; bên công an phát hiện và xử lý. Bây giờ, hai bên kết hợp với nhau để tạo ra hiệu quả chung lớn hơn, cả về vấn đề an ninh trật tự và giúp người nghiện được tiếp cận về dịch vụ.

Công an cơ sở, đặc biệt là cảnh sát khu vực, bận rất nhiều công việc, liệu phương án này có khả thi?

- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công an cơ sở, cảnh sát khu vực làm đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn. Chúng ta đều biết, những người sử dụng MT, người nghiện MT có tỷ lệ vi phạm pháp luật khá cao. Giờ đây những người này được điều trị, hỗ trợ ổn định cuộc sống sẽ giảm vi phạm pháp luật đồng nghĩa với sẽ bớt việc cho công an cơ sở, cảnh sát khu vực. Ở nước Mỹ thực hiện mô hình chuyển gửi này tỉ lệ tái vi phạm pháp luật giảm đi 60%, đỡ đi nhiều việc cho công an.

Hòa nhập cộng đồng

Thực hiện mô hình chuyển gửi người sử dụng MT, người nghiện MT đến các dịch vụ xã hội, bà kỳ vọng tỷ lệ tái nghiện giảm thế nào?
Mô hình chuyển gửi tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý phù hợp với người sử dụng MT. Qua đó nhằm đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và vi phạm pháp luật do tác động của MT; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng MT.

- Hà Nội triển khai mô hình này từ năm nay, tôi không chắc chắn tỉ lệ tái nghiện giảm. Nhưng tại Khánh Hòa - khi chúng tôi triển khai mô hình tương tự (hỗ trợ người nghiện tại cộng đồng) thì tỷ lệ tái nghiện còn 50%. Tôi nghĩ, tỷ lệ tái nghiện rất quan trọng nhưng không phải là số liệu mình nên quan tâm hàng đầu. Vì nghiện MT là bệnh mãn tính rất cần nhiều thời gian để hồi phục. Có thể lần này họ cai 3 ngày rồi chơi lại, lần sau người ta giữ được 5 ngày, lần sau nữa họ cai được một tháng. Điều quan trọng là người nghiện tham gia, duy trì và ở lại trong chương trình, theo đuổi chương trình để mình hỗ trợ họ lần này đến lần khác, nhằm giúp họ tiếp tục theo đuổi mục đích thay đổi cuộc sống. Vì thế, trong chương trình này chỉ đặt ra mục tiêu đánh giá người nghiện MT có tiến bộ hay không dựa trên yếu tố: Có tiếp tục tham gia chương trình, có tuân thủ điều trị hay không, có tiếp tục đi học hay đi làm. Tôi tin, khi họ tham gia vào các chương trình này thì sớm muộn cũng có kết quả tốt.

Có một thực tế, những người nghiện MT sau khi đi cai trở về rất khó hòa nhập cộng đồng bởi sự kỳ thị của xã hội. Làm sao để giải quyết vấn đề này, thưa bà?

- Chính vì thế mới cần sự vào cuộc của các ban, ngành và hỗ trợ lâu dài của nhân viên hỗ trợ hồi phục để giúp người đã từng sử dụng, nghiện MT ứng phó với sự kỳ thị, rào cản. Đương nhiên, không thể giải quyết hết được vấn đề kỳ thị nhưng sẽ dần giúp họ tăng thêm sự kiên trì và kỹ năng ứng phó trong đời sống.

Bà kỳ vọng gì về hiệu quả chương trình chuyển gửi người sử dụng, người nghiện MT?

- Là đơn vị cùng tham gia thực hiện mô hình này, chúng tôi kỳ vọng người sử dụng MT được hỗ trợ để không bị nặng thêm. Người sử dụng MT không trở thành nghiện, người nghiện MT không nghiện nặng hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng những người sử dụng và nghiện MT khi tham gia chương trình sẽ tăng khả năng hòa nhập cộng đồng và dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc của MT.

Xin cảm ơn bà!

Thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy

Ngày 11/3, Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ ký kết phối hợp về công tác dự phòng, cai nghiện MT đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020. Việc ký kết giữa hai Bộ nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại và những hệ lụy của MT. Có 7 nội dung được hai Bộ ký kết phối hợp, trong đó thí điểm các mô hình dự phòng nghiện MT. Theo đó, 2 Bộ xây dựng kế hoạch, khảo sát, xây dựng các mô hình dự phòng nghiện MT đối với học sinh, sinh viên. Một số trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, trường phổ thông được lựa chọn sẽ tổ chức thí điểm mô hình dự phòng nghiện MT phù hợp với các vùng, miền, cấp học, bậc học khác nhau. (Thủy Trúc)