Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với gần 10 năm hoạt động Đoàn, Bí thư Chi đoàn thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa Đặng Thị Ngọc Ánh (SN 1991 - ảnh) luôn nhiệt huyết, đồng hành cùng với các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển sản xuất. Từ kinh nghiệm của bản thân, thủ lĩnh trẻ 9X đã giúp đỡ hơn 30 ĐVTN trong thôn tự tin khởi nghiệp.

 
“Cái khó ló cái khôn”
Vinh dự là 1 trong 8 Bí thư Chi đoàn xuất sắc tiêu biểu Thủ đô 2018, Đặng Thị Ngọc Ánh chia sẻ, tham gia hoạt động Đoàn từ ngày còn học tại trường Cao đẳng Phát triển Nông thôn Bắc Bộ. Sau khi ra trường, Ngọc Ánh tiếp tục hòa mình với các hoạt động Đoàn của thôn. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiệt tình với các công việc chung, năm 2012, Ngọc Ánh được đề bạt giữ chức Bí thư Chi đoàn thôn. Trong quá trình sinh hoạt, Ánh nhận thấy, công tác Đoàn ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh tế, bởi khi “cần câu cơm” chưa được đảm bảo sẽ ít đoàn viên tâm huyết với hoạt động của Đoàn.

Bằng ý chí và sự quyết tâm, Ánh đã tìm mọi cách vực dậy kinh tế gia đình, đồng thời hỗ trợ các ĐVTN trong thôn tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để phát triển kinh tế. Biết đến chương trình hỗ trợ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ánh mạnh dạn đề xuất Đoàn xã hỗ trợ Chi đoàn thôn lập tổ vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho thanh niên. Đến năm 2014, với số vốn ban đầu được hỗ trợ là 40 triệu đồng, vợ chồng Ánh mở trang trại chăn nuôi và bán thuốc thú y tại nhà, mang lại mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Lan tỏa mô hình khởi nghiệp

Từ kinh nghiệm của bản thân, Ngọc Ánh đã quyết tâm cùng ĐVTN thôn khởi nghiệp. Nhờ những kiến thức về chăn nuôi học được tại trường và những kinh nghiệm trong quá trình vận hành trang trại của gia đình, Ánh đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi tại các trang trại trên địa bàn.
Theo Ánh, mức vốn vay 50 triệu đồng hiện nay rất khó để ĐVTN phát triển kinh tế. Hiểu được khó khăn ấy, Ánh đã vận động, tuyên truyền để các thanh niên sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả, mở các trang trại chăn nuôi, trồng rau quả, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng cho mỗi ĐVTN. Ánh cũng cho biết, ngoài nguồn vốn được hỗ trợ từ NHCSXH, các ĐVTN trong quá trình phát triển sản xuất gặp khó khăn còn được hỗ trợ thêm vốn từ các đoàn viên khác. Ngoài ra, Chi đoàn thôn cũng đề nghị Đoàn xã hỗ trợ thêm một phần kinh tế cho các ĐVTN. Hiện có rất nhiều ĐVTN có ý tưởng đầu tư theo mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Từ năm 2012 đến nay, Chi đoàn thôn Nghi Lộc đã tuyên truyền, vận động thu hút được hơn 30 ĐVTN tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Những trang trại trồng trọt, chăn nuôi, mô hình vườn – ao – chuồng của các ĐVTN thôn Nghi Lộc đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của kinh tế địa phương. “Tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn để phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN hiện nay ngày càng được đẩy mạnh. Từ đó giúp thanh niên nông thôn có công ăn việc làm ổn định, tích cực tham gia sinh hoạt Đoàn”- Đặng Thị Ngọc Ánh chia sẻ.