Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp trẻ tránh bệnh cúm mùa

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm nồm ẩm như hiện nay, số bệnh nhi mắc cúm mùa lại tăng mạnh. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã ghi nhận hàng trăm trẻ mắc cúm mùa từ đầu năm đến nay.

 Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, dịch cúm mùa liên quan nhiều tới thời tiết, thường bùng phát khi trời trở lạnh hoặc khi thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường. Trẻ em là nhóm đối tượng có sức đề kháng chưa tốt, vì vậy khi thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến trẻ dễ nhiễm bệnh. Để phòng tránh bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý cho bé ở trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, có điều kiện nhiệt độ ổn định. Bên cạnh đó, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lạ hoặc đưa trẻ tới những nơi quá đông người như đám giỗ, đám cưới, siêu thị… Bởi khi tiếp xúc với nhiều người, số virus trong môi trường không được khống chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh. Trong trường hợp trẻ gặp người lớn đang mắc chủng bệnh dễ lây lan, hãy cho trẻ đứng cách xa người đó trong vòng nửa mét. Đồng thời khuyến cáo người lớn mắc bệnh tăng cường rửa tay và vệ sinh hô hấp khi ho khạc để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus cho trẻ.

PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh việc hạn chế cho người lạ tiếp xúc, ôm và hôn trẻ nhỏ. Theo ông, khi ôm hôn, vô hình chung người lớn đã lây bệnh cho trẻ: “Đôi khi người lớn chỉ mắc bệnh nhẹ, như hắt hơi, chảy nước mũi, vài ngày là khỏi bệnh nhưng với đứa trẻ, bệnh lây sang sẽ trở nặng, có thể khiến trẻ bị sốt, viêm hô hấp, thậm chí co giật. Vì vậy, người lớn nên kìm nén tình cảm của mình để ưu tiên đảm bảo phòng bệnh cho các cháu” - PGS.TS Trần Minh Điển nói.

PGS.TS Trần Minh Điển khuyên phụ huynh nên tuân thủ khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong phòng bệnh như đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh… Cuối cùng, nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc, ho, sốt, hắt hơi, chảy nước mũi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay, không được tự mua thuốc chữa cảm điều trị tại nhà rồi 3 - 5 ngày sau bệnh không đỡ mới đưa con đến bệnh viện. Khi đó, trẻ có thể bị bội nhiễm thêm viêm tai giữa, viêm amidan, viêm mũi, viêm phổi, viêm não… ở giai đoạn đầu khiến bệnh tình trở nặng khó điều trị. “Hãy đưa con tới gặp các bác sĩ nhi khoa để được khám chữa càng sớm càng tốt. Hiện nay, các bệnh viện đã có công nghệ test cúm nhanh, có thể xác định ngay các chủng loại bệnh cúm, có các loại thuốc tốt điều trị khỏi bệnh cho trẻ” - PGS.TS Trần Minh Điển nói. Đồng thời, tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ có sự phân loại căn cứ theo mức độ bệnh. Đối với trường hợp trẻ mắc bệnh nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn để gia đình chăm sóc trẻ tại nhà. Trong trường hợp trẻ có biến chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ cho trẻ nhập viện để theo dõi.