Giúp trẻ vượt qua khó khăn do học trực tuyến kéo dài

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ cuối năm học cũ vắt sang năm học mới, học sinh vẫn chưa được đến trường do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các chuyên gia đồng tình rằng, học online là chủ trương đúng đắn, là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc học nhưng cũng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của hình thức học tập này lên trẻ. Vấn đề đặt ra là cha mẹ, thầy cô có những giải pháp nào để hạn chế áp lực cho trẻ do học online kéo dài?

Gia tăng nhiều nguy cơ
Những tác hại không mong muốn của học online kéo dài đã được dự báo nhưng khi hầu hết các cấp bước vào năm học mới, nhiều vấn đề dần lộ rõ, điển hình là chất lượng học online chưa thực sự đảm bảo; bài giảng trực tuyến cơ bản vẫn thuần túy giống học trên lớp; giờ học kéo dài, chương trình học quá nặng… khiến trẻ không tập trung, buồn ngủ, áp lực, mệt mỏi …
Trẻ học trực tuyến tại nhà, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cũng rất nan giải. Chị Nguyễn Thị Loan, công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho hay, chị có 2 con đều cấp tiểu học. Gần 2 tháng gần đây, công ty có đơn hàng nên vợ chồng chị đi làm suốt nên không có thời gian chăm sóc con. Trước khi đi làm, chị cố gắng sơ chế món ăn cơ bản để hết giờ học sáng, các con cắm cơm rồi tự ăn. “Biết việc ăn uống của bọn trẻ rất qua loa, không đảm bảo nhưng tôi cũng không làm nào khác được”- chị Loan nói.
 Khi học online, trẻ sẽ tăng tĩnh tại, giảm hoạt động thể lực, sử dụng thiết bị kéo dài 
Còn chị Hoàng Thùy Dung, trú tại Nam Từ Liêm chia sẻ: “Suốt giai đoạn giãn cách tôi làm việc ở nhà. Những tưởng có thời gian chăm lo, cơm nước chu đáo cho con nhưng ngược lại. Mẹ bận làm tối mắt, đến giờ ăn cũng không đứng lên được để đi nấu cơm. Con mải học online triền miên, quên cả đói nên bữa cơm của cả nhà thường ăn quá bữa và cũng chỉ có vài món đơn giản, ăn nhiều đồ đóng hộp, đông lạnh, ít ăn rau và hoa quả”.
Theo PGS. TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia thì học online kéo dài sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe đối với trẻ. Đó là bởi, trẻ ở nhà lâu, dù các thầy cô đã thiết kế bài giảng xen kẽ hoạt động thể chất giữa giờ nhưng trẻ không được giao tiếp bạn bè, tiếp xúc thiết bị điện tử trong thời gian dài, tăng tĩnh tại, giảm hoạt động thể lực khiến ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ như: mệt mỏi, giảm tập trung, stress, tăng nguy cơ thừa cân béo phì; cận thị và tăng độ cận… Đây là thực trạng đáng lo lắng, đòi hỏi cha mẹ, nhà trường phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc và trách nhiệm để có hướng giải quyết.
Cha mẹ phải làm gì?
Để con học online hiệu quả, điều đầu tiên là cha mẹ phải kiên trì để giúp con nhiều hơn. Về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam, Cục Trẻ em đã có nhiều tài liệu, sản phẩn hướng dẫn cha mẹ; tuy nhiên cũng yêu cầu cha mẹ rà soát, thiết kế, đảm bảo ngôi nhà mình thực sự là nơi an toàn cho trẻ.
Nhà giáo Đỗ Thị Mai- Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) cho hay, thông thường tháng đầu của năm học mới là thời gian ổn định tâm sinh lý của trẻ, nhất là những học sinh tiểu học, lớp 1, lớp 2. Với những trẻ có cá tính đặc biệt (nhút nhát quá hoặc hiếu động quá), phụ huynh cần chủ động trao đổi, kết nối với cô giáo để cô nắm bắt, triển khai phương pháp như gọi phát biểu, liên tục cho con xuất hiện trên màn hình; phân nhóm trên phòng zoom để cô và các bạn giúp đỡ, tương tác từ đó cô động viên, khen ngợi, khích lệ để con tiến bộ, tự tin hơn.
“Nếu như ở trường, các con phải tự ép mình vào kỷ luật trong môi trường tập thể thì ở nhà các con lại tự do làm điều mình thích, có bố mẹ để làm nũng, điều đó phần nào khiến cho việc học online của con trở nên khó khăn hơn. Bố mẹ cần đồng hành với nhà trường, các thầy cô giáo xây dựng nguyên tắc, phương pháp học online hiệu quả, khoa học và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện”- nhà giáo Đỗ Thị Mai cho biết.
 Cha mẹ nên tạo cho con thói quen giờ nào việc nấy khi học online
Theo nhà giáo Đỗ Thị Mai, hãy tạo cho con thói quen “giờ nào việc nấy”. Khi đang học thì không ăn vặt, không nói chuyện với anh chị em trong nhà, không chơi game, không xem youtube… Ngược lại, đến giờ chơi, giờ ăn thì cũng không lấy bài ra học. Đặc biệt đối với các con lớp 1, lớp 2, điều này sẽ giúp các con hình thành những nền nếp đầu tiên và sẽ trở thành hành trang quan trọng đi cùng trẻ đến khi trưởng thành. Giai đoạn đầu sẽ rất khó khăn nhưng những lợi ích mà nó mang lại trong cuộc sống sau này thì rất giá trị.
Ngoài ra, môi trường an toàn, không gian học yên tĩnh là những điều kiện quan trọng để trẻ có thể giữ được sự tập trung. Yếu tố tâm lý của trẻ cùng sự phối hợp của phụ huynh với cô giáo đóng vai trò tiên quyết, quyết định chất lượng giờ học trực tuyến.
Còn PGS. TS Bùi Thị Nhung đưa ra khuyến cáo: Khi học online, trẻ ăn cả 3 bữa tại nhà. Nếu bữa ăn thiếu sự đa dạng, không đúng giờ sẽ ảnh hưởng tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Trẻ đang độ tuổi phát triển nên cần được cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, các vitamin và khoáng chất. Phụ huynh lưu ý chế độ ăn cho trẻ phải đáp ứng được nhu cầu về rau xanh, củ, quả chín tùy lứa tuổi để tăng khả năng hấp thụ, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch của trẻ. Sinh hoạt của trẻ cần điều độ, nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc để đảm bảo minh mẫn cho một ngày học tập mới.
Đồng hành học online hiệu quả
Việc không được đến trường với thầy cô, bạn bè là một sự thiệt thòi, ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý của trẻ. Nhận thức sâu sắc điều đó, trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến “Đồng hành học online hiệu quả” dành cho phụ huynh học sinh lớp 1, lớp 2. Nội dung cơ bản của hội thảo nói về tầm quan trọng của giáo dục gia đình, tâm lý của trẻ trong các giai đoạn, những nguyên tắc vàng trong giáo dục và nghệ thuật làm bạn cùng con. Buổi hội thảo đã cung cấp những kiến thức hữu ích cho các cha mẹ học sinh lớp 1, lớp 2 trong hành trình đồng hành cũng con để có những tiết học online hiệu quả.