Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ bỏ rào cản để doanh nhân nữ bứt phá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Những DN do nữ giới làm chủ thường có sức chịu đựng tốt hơn, có sức sống bền bỉ và dẻo dai hơn, tỷ lệ phải đóng cửa ít hơn nam giới”.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 khai mạc sáng 6/3 tại Hà Nội đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nhân nữ trong nền kinh tế hiện nay.

Dù chưa có một con số thống kê cụ thể, tuy nhiên theo ông Vũ Tiến Lộc, số DN do nữ giới làm chủ có tỷ lệ thành công và bền vững hơn so với các DN do nam giới làm chủ. “Điều này có được là nhờ chị em phụ nữ có có khả năng chịu đựng, kiên trì, bền bỉ hơn các đồng nghiệp nam” – ông Lộc giải thích.

 
 Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 khai mạc sáng 6/3 tại Hà Nội với chủ đề “Biến cơ hội thành hiện thực”.
Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 khai mạc sáng 6/3 tại Hà Nội với chủ đề “Biến cơ hội thành hiện thực”.
Ngày nay, 1/4 các cơ sở sản xuất là do nữ giới làm chủ, họ không chỉ đóng góp vào ngân sách địa phương mà quan trọng hơn là góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động. Các DN do chị em làm chủ phần lớn là DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động nữ, gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên có ý nghĩa xã hội rất lớn đặc biệt là trong việc góp phần xóa đói, giảm nghèo. DN do doanh nhân nữ làm chủ cũng thường tham gia các hoạt động từ thiện tốt hơn.

Bên cạnh đội ngũ doanh nhân nữ thành đạt ở khu vực tư nhân, nhiều DN nhà nước đã cổ phần hóa do nữ giới lãnh đạo điều hành rất thành công như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Công ty Điện lạnh REE... Họ đã thể hiện bản lĩnh đáng khâm phục trên thương trường đầy khắc nghiệt, đồng thời tạo ra bản sắc riêng trong mỗi DN do phụ nữ làm chủ.

Mặc dù đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhưng theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Điện lạnh REE, vẫn còn những rào cản đối với phụ nữ khi tham gia kinh doanh cũng như tham gia lãnh đạo công ty vì trong cộng đồng vẫn còn tư tưởng trọng nam. Ở Việt Nam, 50% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng chỉ dưới 10% phụ nữ giữ chức vụ CEO hay Chủ tịch HĐQT. Tại các công ty gia đình, việc thừa kế nghiệp kinh doanh thường ưu tiên số 1 là con trai.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Việt Nam đã và đang tích cực hoàn thiện khung luật pháp chính sách về bình đẳng giới, thực hiện các chương trình, dự án tăng cường quyền năng, đặc biệt là quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Nhưng vẫn có một thực tế là vị trí và vai trò của người phụ nữ hiện nay chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới cả trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này dẫn đến những khó khăn đối với phụ nữ tham gia kinh doanh: Từ khâu ra quyết định thành lập doanh nghiệp, đến huy động vốn, điều hành doanh nghiệp, mở rộng quan hệ đối tác, giao lưu tìm hiểu thị trường và tiếp cận các chương trình trợ giúp…

Chia sẻ khía cạnh này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để đạt được kết quả thành công trong kinh doanh như nhau, phụ nữ thường phải bỏ ra công sức gấp 2-3 lần so với nam giới và phụ nữ đặc biệt là phụ nữ ở các nước đang phát triển, ở các nước châu Á và các nước ASEAN phải dành nhiều thời gian hơn cho thiên chức là người mẹ, người vợ trong gia đình. Vì vậy, các Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với cộng đồng doanh nhân nữ, có chương trình giúp họ nâng cao năng lực, cải thiện các điều kiện và cơ hội để có thể cạnh tranh bình đẳng với nam giới trên thương trường.

Các Chính phủ đã có những biện pháp nhưng như vậy vẫn là chưa đủ mức, cần có thêm nhiều nguồn lực và nỗ lực hơn. Ban Thư ký ASEAN và Chính phủ các nước ASEAN cần có chương trình xây dựng cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN trong chương trình tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sau năm 2015.
“Việt Nam cam kết không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn. Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước phát triển trong điều kiện mới. Đây là một trong những nền tảng cơ bản để Việt Nam đóng góp vào cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp đến đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam” (Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)

Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 khai mạc sáng 6/3 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Đây là một trong những hoạt động ưu tiên của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) hướng tới cộng đồng chung ASEAN, với chủ đề “Doanh nhân nữ ASEAN trong cộng đồng kinh tế ASEAN: Biến cơ hội thành hiện thực”. Trong nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam giữ vai trò nước điều phối và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI giữ vai trò Chủ tịch AWEN (2014 – 2016).