Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi Nghị định 64/2012/NĐ-CP (NĐ64) về cấp giấy phép xây dựng (CGPXD) có hiệu lực (ngày 20/10/2012), những phản ánh từ các địa phương, cơ quan chức năng và người dân đã cho thấy những khó khăn và bất cập nảy sinh khi áp dụng các quy định mới.

NĐ64 quy định, thành phần hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính. Trên thực tế, chi phí cho loại bản vẽ này tốn kém hơn nhiều lần so với bản vẽ để CGPXD. Hơn nữa, với các công trình có quy mô dưới 3 tầng (theo quy định, quy mô công trình dưới 3 tầng không phải thuê tư vấn), thì cơ quan cấp phép sẽ chính là người phải thẩm định. Như vậy, để xây một căn nhà trước đây chỉ cần bản vẽ kiến trúc với chi phí khoảng 3 - 4 triệu đồng. Theo quy định mới, người dân phải thuê làm bản vẽ kết cấu với chi phí cao hơn bản vẽ kiến trúc và thời gian kéo dài hơn.
 
Gỡ khó cho dân - Ảnh 1
Nhà ở riêng lẻ tại đô thị sẽ có hướng dẫn thực hiện về xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định mới.Ảnh: Quỳnh Anh

Cũng theo quy định mới, nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng mới được CGPXD. Theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng là quy hoạch tỷ lệ 1/500. Tại thời điểm này nếu đưa vào áp dụng đúng với "chuẩn" của NĐ64, thì việc cấp phép sẽ trở thành "nhiệm vụ bất khả thi" với nhiều địa phương. Ngay cả những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, việc phủ quy hoạch chi tiết xây dựng vẫn còn là chặng đường dài. Tại TP. HCM mới chỉ có vài ô phố có quy hoạch 1/500. Cả TP chỉ xấp xỉ một nửa diện tích được phủ kín quy hoạch 1/2.000...

Trước phản ánh của các địa phương, cơ quan quản lý và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho người dân sau khi NĐ 64/CP có hiệu lực. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền Thủ tướng đã có văn bản giải trình những vướng mắc này. Theo Bộ trưởng, NĐ64 quy định về điều kiện phải phù hợp với quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị chỉ áp dụng đối với công trình, nhà ở tại đô thị. Trường hợp khu vực đô thị đã ổn định chức năng thì không phải lập quy hoạch chi tiết mà chỉ lập thiết kế đô thị để làm căn cứ CGPXD. Còn ở nông thôn, việc CGPXD chỉ áp dụng đối với những khu vực đã có quy hoạch điểm dân cư hoặc có quy định cụ thể của của UBND cấp huyện. Những khu vực còn lại khi xây dựng nhà ở không phải xin CGPXD. 

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, những vướng mắc hiện nay là do việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tại các địa phương triển khai chậm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh việc khắc phục hạn chế trên. 
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với từng loại hình công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị và nông thôn, trong đó có tính đến các điều kiện về quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đối với các công trình, nhà ở tại các khu đô thị đã ổn định về chức năng cho phù hợp với tình hình thực tế.