Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho giáo dục mầm non

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học mới 2017 – 2018 đã cận kề, nhưng những khó khăn thách thức mà ngành giáo dục Thủ đô đang phải đối mặt, đặc biệt là ngành giáo dục mầm non (MN): Thiếu trường, lớp, HS vẫn học nhờ, học tạm nhà kho… đã được lãnh đạo các quận, huyện nêu ra tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới cấp học MN do Sở GD&ĐT tổ chức sáng qua (14/8).

Nâng chất lượng chăm sóc trẻ

Đến thời điểm này, Hà Nội có 581/584 phường, xã có trường MN công lập. Các quận, huyện thị xã đã làm tốt công tác rà soát quy hoạch, gom điểm lẻ manh mún không đảm bảo cơ sở vật chất. Cũng trong năm học 2017, ngành MN tiếp tục thực hiện tuyển sinh trực tuyến đối với trẻ 5 tuổi, tạo điều kiện đủ chỗ học thực hiện phổ cập. 30/30 quận, huyện thị xã với 583/584 xã, phường đạt và duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, duy nhất xã Đồng Thái (Ba Vì) chưa đạt do điều kiện cơ sở vật chất phòng, lớp học còn khó khăn.

Cô và trò trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh:  Hải Linh

Bà Hoàng Thanh Hương – Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, năm qua, công tác chăm sóc nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ được Sở đặc biệt quan tâm, kịp thời khắc phục những khó khăn. Ngoài đảm bảo an toàn cho trẻ, công tác đổi mới hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục MN được chú trọng. “100% cơ sở giáo dục MN xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng đổi mới, lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục trẻ biết tự bảo vệ bản thân trong trường hợp khẩn cấp…” – Bà Hương nhấn mạnh. Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục MN được Sở kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo công tác chăm sóc giáo dục tốt nhất đối với trẻ MN…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục MN vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: Nhiều trường thuộc các quận nội thành sĩ số trẻ đông, 50 – 60 trẻ/lớp (Cầu Giấy, Hoàng Mai). Một số trường MN công lập ở các huyện Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên, Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ… còn nhiều.

Học nhờ, tạm nhà văn hóa

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận, huyện cho rằng, cấp học MN là cấp học đặc thù, do vậy cần có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp đảm bảo môi trường học tập cho trẻ.

Được biết, hiện, quận Nam Từ Liêm do việc điều chỉnh địa giới, quận đang thiếu 2 trường MN. Tại quận Đống Đa, lãnh đạo phòng giáo dục quận này cho biết: “Theo chỉ tiêu TP phải đạt 65 - 75% trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020, nhưng năm 2017 quận mới đạt 48,1%. Nếu năm 2020 có xây thêm 2 trường nữa mới đạt 55%. Với quỹ đất hiện tại chỉ đạt cao nhất 55%. Ngoài ra, việc gom điểm lẻ, quận còn 4 trường có điểm lẻ nhưng quỹ đất không còn, không làm được việc này”.

Thiếu trường, lớp không chỉ xảy ra ở các quận nội thành, một số huyện ngoại thành HS vẫn phải học nhờ, tạm nhà kho, nhà văn hóa thôn. Ông Lê Ngọc Tôn – Trưởng phòng giáo dục huyện Ba Vì cho biết, huyện còn một trường Đồng Thái còn nhiều khó khăn chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN 5 tuổi. “Hiện trên địa bàn huyện còn 72 lớp học mượn phòng trong nhà trường, 21 phòng mượn ngoài nhà trường ở các điểm dân cư, nhà văn hóa thôn. Trong khi các trường tư thục chưa phát triển (hiện có 4 cơ sở), tới đây, chúng tôi tiếp tục tham mưu khuyến khích tăng thêm cơ sở trường ngoài công lập. Trong lộ trình khắc phục phòng học tạm, kinh phí khó khăn nên cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ giúp bớt khó khăn cho các trường công lập” – ông Tôn nhấn mạnh.

Ông Đặng Văn Viện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, huyện còn thiếu 91 phòng học, 51 phòng học cấp 4 xuống cấp, 64 phòng tạm mượn. “Hiện huyện còn nhiều lớp học mượn dãy nhà kho, nhà văn hóa. Kinh phí xây dựng, sửa chữa của huyện nhiều khó khăn. Rất mong Sở GD&ĐT tham mưu TP tiếp tục có kế hoạch xóa phòng học xuống cấp, tạm bợ và có cơ chế đặc thù cho huyện để năm 2020 đạt 70% trường chuẩn quốc gia” – ông Viện đề xuất.

Trước những khó khăn thách thức việc thiếu trường, lớp trên địa bàn Thủ đô, ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2017 bậc MN tăng 44 trường, 44 nhóm lớp, hơn 5 vạn trẻ. "Tới đây, quy hoạch mạng lưới, các quận, huyện cần rà soát và bổ sung xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu thực tế trên địa bàn. Hiện, TP chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ rà soát lại, sau khi có điều chỉnh, TP phê duyệt sẽ bổ sung cuối năm. Do vậy, các quận, huyện bám sát để điều chỉnh bổ sung hợp lý” - ông Quang nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Quang cũng yêu cầu các quận, huyện đánh giá đội ngũ giáo viên, nhân viên nhằm nâng cao công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. “Hầu hết giáo viên đạt trên chuẩn, nhưng vẫn còn nhân viên chưa đạt chuẩn, mới đạt 85%. Phòng MN phải có thống kê, phân tích rõ, phải có định hướng và chấm dứt việc nhân viên không đạt chuẩn. Hà Nội không thể để đội ngũ không đạt chuẩn công tác trong nhà trường, nhất là trong ngành học MN, ngành học đặc thù” – ông Quang nhấn mạnh.