Tuy nhiên, chưa hẳn đã hết rào cản, vẫn cần sớm tháo gỡ cho các doanh nghiệp (DN) để XK dệt may có thể cán đích 15 tỷ USD...
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8 có nhiều sản phẩm dệt may tăng sản lượng khá, đưa sản lượng các nhóm hàng này 8 tháng qua lần lượt tăng 7,2% và 5% so với cùng kỳ năm 2011. Cùng với tăng trưởng đáng kể về kim ngạch XK, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã xuất siêu trên 5,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, dù nguyên nhân tăng xuất siêu chủ yếu do giá nhập khẩu (NK) bông nguyên liệu giảm mạnh. Bên cạnh đó, nỗ lực phát triển nguồn nguyên liệu bông nội địa thời gian gần đây cũng giúp ngành giảm tỷ trọng bông NK.Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định: Cùng những bứt phá về giá trị, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK dệt may trong tháng 8 và 8 tháng qua, những giải pháp hỗ trợ về vốn, thuế và xúc tiến thương mại mà các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai là cơ sở để hy vọng dệt may Việt Nam chinh phục được mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch XK năm 2012, thậm chí có thể vượt.
Kiểm tra hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Trần Việt
Mặc dù vậy, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện vẫn còn một "bài toán" khó giải tại nhiều DN dệt may, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa là việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng phát triển sản xuất. Không có đơn hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ đi tìm việc làm khác, DN dệt may luôn trong tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, các DN dệt may XK cũng lo lắng khi chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu NK có thể bị hủy bỏ, khiến việc duy trì sản xuất càng trở nên nan giải, trong khi thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới một vài tháng tới chưa có dấu hiệu phục hồi.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN, Vitas đang trình Chính phủ cho phép ngành dệt may được miễn giảm hẳn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong vòng 3 - 6 tháng, đồng thời tăng tỷ lệ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của DN XK từ 10% hiện tại lên 15%, nhằm kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, các DN đang rất mong đợi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công để hàng dệt may Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ. Khi đó, sản phẩm dệt may XK của Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, thậm chí có những mặt hàng được hưởng thuế suất 0%.
Bộ Công Thương cũng đang triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường dệt may những tháng cuối năm, nhất là những thị trường tiềm năng như Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia... Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra dự báo về thị trường, cảnh báo việc thay đổi chính sách, cơ chế quản lý NK, kiểm soát chất lượng tại các thị trường..., nên DN dệt may cần cập nhật sát sao để có kế hoạch và thay đổi kịp thời.
“Một trong những khó khăn của doanh nghiệp chúng tôi hiện nay chính là vấn đề lao động. Trong vòng một năm kể từ tháng 7 năm ngoái, sản xuất khó khăn nên lao động nghỉ nhiều, nhưng từ tháng 7 đến nay khi Công ty bắt đầu có nhiều đơn hàng trở lại, công tác sắp xếp tổ chức sản xuất lại chưa theo kịp vì thiếu lao động, phải tuyển lại từ đầu.” - Ông Dương Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 |