Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó để về đích đúng hẹn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai dồn điền đổi thửa (DĐĐT), song huyện Gia Lâm đã nỗ lực khắc phục những mặt hạn chế, tập trung tối đa mọi nguồn lực để sớm hoàn thành công tác DĐĐT, đẩy nhanh tiến độ về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Về xã Đa Tốn vào thời điểm này mới thấy được không khí hăng say sản xuất của bà con xã viên với mô hình trồng hoa chất lượng cao. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thanh Phương - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Đa Tốn cho biết, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển hoa - cây cảnh TP, từ tháng 9/2013, 20 hộ xã viên đã tự nguyện tham gia dự án 1ha trồng hoa các loại với 20.000 gốc hoa ly, 8.500 gốc hoa cúc và 400 gốc hoa đào. "Tuy mới đang trồng thí điểm nhưng hoa sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho vụ thu hoạch thắng lợi nên bà con rất phấn khởi. Sắp tới, để phục vụ nhu cầu thị trường trong năm 2014, HTX sẽ trồng thêm 200 gốc mai Yên Tử, hoa loa kèn và hoa đồng tiền" - ông Phương nói.

 
Ra quân dồn điền đổi thửa tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Nam
Ra quân dồn điền đổi thửa tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Nam
Ông Phùng Xuân Việt - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, tuy chưa có nhiều thành tích về DĐĐT, song trong quá trình xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân từ huyện đến xã đều đồng thuận tìm ra cách làm hiệu quả để phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, một số xã có hợp tác xã chuyển đổi hoặc thành lập mới đều thực hiện tốt vai trò kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển theo hướng mở rộng quy mô, sản xuất hàng hóa nông sản. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng rau an toàn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm; trồng cam Canh, bưởi Diễn, ổi cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm… Trong đó, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30%, còn lại lợi nhuận dành cho nhà nông.

Quyết liệt trong dồn điền đổi thửa

Thời gian này, huyện Gia Lâm đang khẩn trương dồn lực cho công tác DĐĐT tại 5 xã: Dương Quang, Lệ Chi, Kim Sơn, Trung Mầu và Phú Thị, với tổng diện tích 1.460ha. Đến nay, huyện đã hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng và giao 874,3ha ruộng ngoài thực địa cho bà con nông dân (đạt 60% tổng diện tích); bình quân mỗi hộ chỉ còn 2 thửa. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Điển hình như tại thôn Kim Hồ, xã Lệ Chi, người dân đã hiến trên 9.000m2 đất để làm khu văn hóa, thể thao và nghĩa trang của thôn; đóng góp 20.000 đồng/nhân khẩu để làm kênh mương, giao thông nội đồng. Huyện phấn đấu hoàn thành 1.000ha DĐĐT trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Trịnh - Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng, không chỉ gặp vướng mắc trong DĐĐT, xây dựng NTM của huyện cũng gặp không ít khó khăn do nhiều xã còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định các tiêu chí chưa đạt để tập trung thực hiện; nguồn kinh phí đầu tư vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước, việc huy động, đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào quy hoạch xây dựng NTM, huyện chủ động hướng dẫn người dân tham gia đóng góp ý kiến trong việc xác định rõ tiềm năng, lợi thế về cây trồng, vật nuôi tại địa phương để đầu tư có hiệu quả. Đặc biệt ưu tiên cho công tác DĐĐT và hoàn thiện cứng hóa kênh mương, giao thông nội đồng tại các diện tích đã dồn đổi để phục vụ bà con sản xuất. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng kiến nghị, TP cần tăng cường hỗ trợ huyện về nguồn vốn trong khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính khi triển khai lập dự án đấu giá đất xen kẹt, dự án xây dựng cơ bản…

 
Huyện Gia Lâm phấn đấu đến năm 2014 có 3 xã đạt 19 tiêu chí: Đa Tốn, Yên Viên, Bát Tràng; có thêm 6 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí: Cổ Bi, Kim Lan, Phú Thị, Ninh Hiệp, Đông Dư, Đình Xuyên. Các xã còn lại trong giai đoạn 1 phấn đấu đạt thêm ít nhất 2 tiêu chí/xã.