Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó thủ tục thuế cho doanh nghiệp mới

Bài, ảnh: Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, số lượng DN thành lập mới đã có nhiều đóng góp trong tăng thu ngân sách cũng như phát triển kinh tế đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên, khối DN này vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn, ngày 26/6, Cục Thuế TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp. Theo đó, nhiều giải pháp tích cực đã được cơ quan thuế, Hội Tư vấn thuế, Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội và các đại lý thuế, các DN đưa ra và triển khai thực hiện.

Doanh nghiệp mới đóng góp lớn

Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 148.000 DN, tổ chức kinh tế; hơn 152.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Trong số các DN và hộ kinh doanh này, số lượng DN thành lập mới ngày càng tăng. Cụ thể, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2015 có 21.000 DN được thành lập; năm 2016 có hơn 24.200 DN; riêng 6 tháng đầu năm 2017 có 12.684 DN được thành lập. “Với số lượng DN được thành lập mới ngày càng tăng trên đây đã khẳng định môi trường sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng thuận lợi, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung” - ông Mạnh khẳng định.

Cục Thuế Hà Nội, Hiệp hội DNNVV, Công ty Misa và các đơn vị liên quan ký cam kết hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Sự đóng góp của cộng đồng DN, trong đó có khối các DNNVV, các hộ kinh doanh ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp số thu lớn cho Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, các DNNVV, DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp vẫn gặp khá nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp... “Từ thực tế này, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã luôn chủ động, nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế, từ đó tham mưu, kiến nghị cơ chế chính sách thuế phù hợp thực tiễn, giúp cộng đồng DN, người nộp thuế tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách” - ông Mạnh cho biết.

Hỗ trợ thiết thực

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN và Kế hoạch số 75/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc phát triển DN trên địa bàn, Cục Thuế Hà Nội đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ giai đoạn 2017 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là cung cấp và hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế ban đầu; các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho DN mới thành lập; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Thông qua Đề án, cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thập thông tin các vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế của các DN mới thành lập, từ đó có kế hoạch hỗ trợ DN một cách thiết thực nhất.

Thời gian qua, Cục Thuế đã phối hợp với các DN cung cấp phần mềm kế toán và các đại lý thuế triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhìn nhận những chuyển biến tích cực của Cục Thuế Hà Nội, tuy nhiên cũng lưu ý, phần lớn khách hàng của các đại lý thuế hiện nay là DNNVV, DN siêu nhỏ. Vì thế, những kinh nghiệm cũng như kiến thức về chính sách thuế không nhiều, rất cần sự tư vấn, hỗ trợ.

Thời gian qua, các đại lý thuế đã hỗ trợ rất tốt các DN khởi nghiệp. Hỗ trợ không chỉ tư vấn về chính sách thuế, mà còn hỗ trợ về cả chính sách bảo hiểm xã hội cho DN mới thành lập. Điều này đã phần nào làm cho cộng đồng DN mới thành lập ngày càng yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam