Thực hiện kế hoạch giám sát tình hình chấp hành quy định của pháp luật về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng (NCC) của TP Hà Nội giai đoạn 2013-2017, sáng nay (11/4), Đoàn Giám sát do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Mê Linh và 5 xã trực thuộc.
Đã giải ngân trên 50%Trên địa bàn huyện Mê Linh có tổng số 707 hộ thuộc đối tượng NCC có khó khăn về nhà ở đề nghị được hỗ trợ đã phê duyệt theo Quyết định 1733 ngày 31/3/2014 của UBND TP, trong đó 412 hộ cần xây mới và 295 hộ sửa chữa; tổng số 673 hộ thuộc đối tượng NCC được phê duyệt tại Quyết định 5716 ngày 13/10/2016 của UBND TP, trong đó 393 hộ cần xây mới, 280 hộ sửa chữa. Đến nay, 150 hộ đã được hỗ trợ xây mới, 191 hộ tự xây mới, 90 hộ được hỗ trợ sửa chữa và 95 hộ đã tự sửa chữa.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn, đại diện các sở, ngành liên quan với lãnh đạo huyện Mê Linh và 5 xã trực thuộc sáng 11/4. |
Năm 2014, UBND huyện được UBND TP bổ sung kinh phí hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, với 5 nhà được hỗ trợ xây mới, tổng số tiền 200 triệu đồng. Năm 2016, UBND TP tiếp tục bổ sung 37.310 triệu đồng hỗ trợ cho 673 hộ (gồm nguồn kinh phí TƯ, TP và do vận động xã hội hóa), từ đó UBND huyện đã phân bổ về các xã, thị trấn thực hiện theo quy định. Trong đó, đã đưa ra khỏi danh sách 120 hộ không có nhu cầu và không đủ điều kiện được hỗ trợ; 303 hộ đã được xây mới hoặc sửa chữa; còn lại 250 hộ đang được hoàn thiện hoặc đang triển khai xây dựng; với tỷ lệ giải ngân đã đạt khoảng 50%. Thực tế từ khi triển khai hỗ trợ nhà ở cho NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng, tại Mê Linh chưa có đơn thư vượt thẩm quyền. Thường trực Huyện ủy đã có văn bản chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị quan tâm hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho NCC theo Quyết định 22, quyết tâm hoàn thành trước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7/2017. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cũng nhận định, trong công tác này tại địa phương thời gian đầu, một số đơn vị chưa tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định 22 nên triển khai thiếu sát sao, rà soát chưa chính xác, trong danh sách có một số hộ bị trùng đối tượng, không đúng đối tượng, hoặc huyện còn để sót một số hộ NCC có khó khăn về nhà ở. Đồng thời, có những xã, thị trấn chưa đảm bảo tiến độ, yêu cầu. Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ sótTheo lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, khó khăn nổi bật là tình trạng NCC đăng ký hộ khẩu thường trú tại một nhà nhưng sống ở nhà khác (như đăng ký hộ khẩu ở nhà con thứ nhưng sống ở nhà con trưởng, nên đề nghị hỗ trợ nhà con trưởng). Trên địa bàn còn 84 trường hợp phát sinh hộ NCC có khó khăn về nhà ở đề nghị được hỗ trợ; có 61 hộ NCC đã chết trong thời gian chờ kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, với những hộ NCC đã được duyệt trong danh sách của Quyết định 1733 của UBND TP đã được các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh phí nhưng thấp hơn mức hỗ trợ của T.Ư, TP đang hỗ trợ (70 triệu đồng/hộ xây mới, 35 triệu đồng/hộ sửa chữa), UBND huyện chưa biết có được cấp bù kinh phí đủ mức theo Quyết định của UBND TP hay không. Bởi vậy, UBND huyện cuối tháng 3/2017 đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP và Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội. Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện cũng đề nghị đoàn Giám sát HĐND TP quan tâm báo cáo UBND TP sớm chỉ đạo, hướng dẫn huyện giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 22 của Thủ tướng.
Đánh giá cao tinh thần cầu thị, nỗ lực của huyện và các xã tại Mê Linh trong công tác phối hợp hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho NCC với cách mạng, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương cũng khẳng định: Năm nay kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, TP sẽ triển khai rất nhiều hoạt động tri ân các đối tượng NCC với cách mạng. Trong đó, liên quan đến xây, sửa nhà ở cho các đối tượng chính sách, TP có số lượng lớn, và đã quyết định tăng kinh phí hỗ trợ đối với mỗi trường hợp so với mức quy định của T.Ư, với phương châm phải đến tận tay đối tượng được hưởng, không bỏ sót, nếu vi phạm thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Chia sẻ với khó khăn của địa phương, ông Trần Thế Cương yêu cầu tới đây, công tác giải ngân tại huyện và các xã, thị trấn cần nhanh gọn, minh bạch và đúng pháp luật, nhất là về trình tự thủ tục thanh quyết toán hồ sơ. Đáng chú ý, với một số xã chưa đảm bảo tiến độ, cần nêu cao vai trò của lãnh đạo xã. Về các kiến nghị đề xuất của huyện và các xã, ông Cương đề nghị cần có văn bản chính thức từ huyện, trong đó đoàn sẽ đề nghị UBND TP có hướng dẫn cụ thể với 84 trường hợp phát sinh. Bên cạnh đó, đề nghị huyện và các xã làm tốt hơn công tác vận động tuyên truyền về các chủ trương chính sách của TƯ và TP để họ cùng thực hiện; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đến tận tay người được hưởng, tránh khiếu nại tố cáo. Đối với 250 hộ đang và sẽ được triển khai hỗ trợ, huyện cần có đôn đốc, giao ban hàng tuần để kiểm điểm tiến độ. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể, có sự linh hoạt trong quá trình triển khai tại xã, thị trấn; chỉ đạo việc thanh quyết toán theo đúng quy định…