Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ nút thắt cho các chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mỗi năm có hàng nghìn đề xuất nhiệm vụ từ các nhà khoa học, nhưng số đề tài triển khai thành công vào thực tế chưa cao. Vì vậy, cần có cơ chế phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất những quan điểm mới.

Khó triển khai thực hiện

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Quốc gia đến năm 2030. Hệ thống các chương trình KH&CN cấp Quốc gia đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong chuỗi hoạt động từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ đến thương mại hóa, sản xuất sản phẩm. Tuy vậy, các chương trình vẫn chưa thực sự phát huy được hết vai trò cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chưa thực sự là động lực cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.

Bộ KH&CN cần có cơ chế phù hợp để thành viên ban chủ nhiệm đề tài được tham gia các hội thảo quốc tế có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Bộ KH&CN cần có cơ chế phù hợp để thành viên ban chủ nhiệm đề tài được tham gia các hội thảo quốc tế có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.

Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ KH&CN) Đào Ngọc Chiến nêu thực trạng, thời gian qua, Bộ KH&CN nhận được hàng nghìn đề xuất, qua sàng lọc có 298 nhiệm vụ được Bộ KH&CN đặt hàng các nhà khoa học thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng đề xuất nhiệm vụ từ các nhà khoa học và tổ chức khoa học chưa cao. Theo thống kê, số lượng các đề xuất kiến nghị thực hiện không vượt quá 50%. Nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất không nghiên cứu mục tiêu, yêu cầu và quy mô, sản phẩm của chương trình, không nghiên cứu kỹ khung chương trình nên có nội dung đề xuất không phù hợp.

Mặt khác, trong quá trình triển khai các chương trình KH&CN cấp Quốc gia vẫn còn nhiều khó vướng mắc. Cụ thể, về cơ chế trả thù lao cho các thành viên Ban chủ nhiệm; cơ chế ký hợp đồng với thư ký hành chính của các Ban chủ nhiệm. Số lượng dự án sản xuất thử nghiệm chưa nhiều, ảnh hưởng đến chỉ tiêu đánh giá của các Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia (KC).

Về các vấn đề bất cập trong quy định xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải chỉ ra, đó là kết quả nhiệm vụ KH&CN quá đa dạng; xử lý chồng lấn giữa tài sản trang bị đầu vào và tài sản kết quả đầu ra; phương pháp định giá tài sản phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy trình xử lý không phù hợp với nhiều hình thức tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có tính chất đặc thù; quy định về việc các tài sản được giao phải được ứng dụng, thương mại hóa còn nhiều bất cập.

Chia sẻ từ góc độ nhà khoa học, GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/2021-2030 cho biết, với một sản phẩm khoa học cấp Quốc gia, không có kinh phí cho hoạt động thử nghiệm. Vì vậy, các nhà khoa học đề nghị cần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề thử nghiệm lâm sàng các kết quả nghiên cứu. Đồng thời làm rõ lợi ích của các bên trong quá trình hợp tác nghiên cứu, chia sẻ bản quyền với các DN, đối tác nước ngoài khi triển khai đề tài.

Còn theo GS.TS Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 chỉ ra rằng, việc hợp tác liên kết còn yếu, nhất là hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, giữa viện - trường - DN, thiếu vắng đầu tư của DN, thiếu cán bộ đầu ngành. Sự tham gia của DN vẫn chủ yếu tập trung tận dụng nguồn lực của các chương trình KH&CN, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn luôn là vấn đề lớn của các nhiệm vụ KH&CN khi kêu gọi hợp tác với DN

Cần cơ chế chấp nhận rủi ro, bảo vệ nhà khoa học

Từ những khó khăn, bất cập trong việc triển khai các chương trình KH&CN cấp Quốc gia,  Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải đề xuất, đối với nhiệm vụ KH&CN mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phần tài sản trang bị từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách thì tài sản thuộc về tổ chức chi trả, không phải xử lý. Tài sản hình thành thuộc trường hợp giao không bồi hoàn thì xử lý theo thuyết minh và hợp đồng, không phải xử ý theo quy định của Nghị định số 70 về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đối với ngân sách Nhà nước hỗ trợ thì giá trị tài sản kết quả nhiệm vụ KH&CN thuộc về Nhà nước được tính theo tỉ lệ % hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đối với nhiệm vụ KH&CN có từ 2 tài sản là kết quả phải xác định giá trị thì giá trị của từng tài sản được xác định bằng chi phí trực tiếp hình thành tài sản trong dự toán cộng với chi phí chung được phân bổ theo tỉ lệ cho từng tài sản.

Các nhà khoa học cũng đề xuất, Bộ KH&CN có cơ chế phù hợp để thành viên ban chủ nhiệm đề tài được tham gia các hội thảo quốc tế có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Mặt khác, cần có quy chế rõ hơn về kế hoạch hoạt động của các chương trình, tạo thuận lợi cho việc xác định, đăng ký, thuyết minh, xét, thẩm định các nhiệm vụ hàng năm; có cơ chế phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất những quan điểm mới, những các tiếp cận mới về chủ đề nghiên cứu. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ các nhà khoa học có ý kiến mới, khác với cách tiếp cận và các quan điểm đã được định hình. Trong nghiên cứu khoa học, cần chấp nhận những rủi ro nhất định.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ đã tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển KH&CN; đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thu hút và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Đến nay, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia.

Để thúc đẩy triển khai các chương trình KH&CN cấp Quốc gia đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia thuộc các chương trình. Tập trung các vấn đề có tính cấp thiết, có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; các nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực KH&CN Quốc gia.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt yêu cầu các thành viên ban chủ nhiệm chương trình đẩy mạnh tìm kiếm nhiệm vụ tập trung các vấn đề cấp thiết, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép các nội dung nghiên cứu khoa học, nhất là phát triển công nghệ phục vụ tăng năng suất lao động. Các nghiên cứu phải đo lường được tác động của công nghệ đối với năng suất lao động trong từng nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ.