Gỡ rào cản để thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019. Diễn đàn thu hút sự tham gia của 350 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, địa phương, cùng nhiều hiệp hội, DN…

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Hải
Năm 2018 đánh dấu một bước phát triển mới của ngành nông nghiệp. Ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và liên kết để tập trung sản xuất theo quy mô lớn, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh ưu tiên đầu tư, thì tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu cũng được quan tâm. Xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục với kim ngạch trên 40 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. 
Thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng tới hơn 180 quốc gia; giá trị xuất khẩu nông sản xếp thứ 15 trên thế giới. Một số mặt hàng nông sản đã xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như: Thịt gà vào Nhật Bản, vú sữa vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào Liên minh châu Âu...

Năm 2019 được đánh giá là năm có nhiều rào cản với sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra 5 rào cản chính. Thứ nhất, đó là sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thứ hai, thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh. Thứ ba, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. Thứ tư, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và VSATTP, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Thứ năm, xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit cũng như chính trị trên thế giới.

Để hoàn thành mục tiêu của ngành NN&PTNT năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh giải pháp trọng tâm là tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực. Đồng thời đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung. Thúc đẩy liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút đầu tư DN tư nhân. Cùng với đó, đẩy mạnh năng lực chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần