Hà Nội: Vướng mặt bằng
Hà Nội hiện đang triển khai 5 dự án đường sắt đô thị. UBND Thành phố giao Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện đầu tư 2 dự án gồm tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và đoạn Nhổn – ga Hà Nội. 3 dự án còn lại do Cục Đường sắt VN và TCT Đường sắt VN chủ đầu tư thực hiện.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Dự án xây dựng tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có tổng chiều gài 11,5 km đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Công tác GPMB đến nay cơ bản hoàn tất, chủ đầu tư đang phối hợp với huyện Từ Liêm để GPMB khu đề pô.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 783 triệu euro vay của Pháp và Ngân hàng châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB và một phần vốn đối ứng trong nước. Đến nay, khối lượng thực hiện dự án đã được gần 53 tỷ đồng, giải ngân gần 12 tỷ. Theo đánh giá, tiến độ của 2 dự án này đạt yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là 2 dự án lại đang phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, từ hơn 19.000 tỷ đồng lên gần 52.000 tỷ đồng đối với dự án tuyến đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và từ 783 triệu euro lên hơn 1.000 triệu euro đối với tuyến Nhổn – Ga Hà Nội. Nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư do thay đổi các điều kiện kỹ thuật, khối lượng và quy mô xây dựng.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư đang chậm khoảng 20% do với kế hoạch. Theo ông Trần Văn Lục – Giám đốc Ban Quản lý dự án (Cục ĐSVN), dù cố gắng nhưng công tác GPMB đang rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Đến nay, mới giải phóng được 9,2km/13,5km đường chính tuyến và 6,8 ha khu đề pô.
Dự án đã hoàn thành được 181 trụ cầu và có 16 mũi thi công trên tuyến. 2 nhà thầu năng lực yếu kém đã bị loại bỏ. Tổng khối lượng thi công mới đạt được 36%. Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này sẽ vận hành thử từ 1/3/2015 và vận hành thương mại vào 6/2015. Tuy nhiên, nếu công tác GPMB không được giải quyết dứt điểm thì tiến độ sẽ khó thành. Vì vậy, đề nghị Hà Nội tích cực chỉ đạo GPMB.
Về vấn đề này, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng CTGT dự thảo ngay công điện trình Thủ tướng Chính phủ gửi UBND và đại biểu Quốc hội T.P Hà Nội… để giải quyết vướng mắc. Cục Đường sắt VN có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thật cụ thể để bù đắp lại tiến độ đã chậm. Các bên liên quan gồm Sở GTVT, Sở Xây dựng… tạo điều kiện thuận lợi để thi công, bảo đảm an toàn.
Đối với tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật do TCT Đường sắt VN làm chủ đầu tư, đến nay ngoài vướng về kiến trúc cầu đường sắt, quy hoạch… còn vướng cả về GPMB. Ông Ngô Anh Tảo – Phó Tổng giám đốc TCT ĐSVN cho biết do tiến độ dự án chậm, chủ đầu tư buộc phải để cho tư vấn về nước.
TP. Hồ Chí Minh: Chưa dự án nào thi công
Theo Phó trưởng Ban QLDA đường sắt đô thị T.P Hồ Chí Minh, quy hoạch thành phố có 10 tuyến đường sắt. Tuy nhiên đến nay, các dự án này phần lớn mới chỉ dừng nghiên cứu, thiết kế, lập đầu tư… Chỉ có gói thầu 1a và 1b của dự án Bến Thành – Suối Tiên dự kiến được thi công cuối năm 2013. Gói thầu 2 sẽ được thi công đại trà vào cuối tháng 3 này. Tuy nhiên công tác GPMP cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp, nhiều kiến nghị đã được đưa ra, trong đó tập trung đề nghị Bộ sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành về thi công xây dựng đường sắt đô thị, tiêu chuẩn về hệ thống thu phí tự động và thẻ thông minh không tiếp xúc; ban hành mới hoặc điều chỉnh, bố sung đối với các thông tư quy định về chức danh và nội dung đào tạo nhân lực vận hành; ban hành quy chuẩn an toàn đường sắt đô thị…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu phối hợp chọn trường đào tạo nhân lực có chất lượng để tạo nguồn nhân lực vận hành. Cục Đường sắtVN dự thảo ngay Thông tư quy định các chức danh vận hành tuyến đường sắt sau này. Cục Đăng kiểm Việt Nam sớm nghiên cứu ban hành quy chuẩn An toàn đường sắt.