Tồn đọng hơn 6.000 hồ sơ
Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận hiện nay còn tồn đọng hơn 6.000 hồ sơ chưa được cấp sổ đỏ. Các trường hợp đó chủ yếu là đất nằm trong quy hoạch; đất nằm trong các dự án đã có quyết định thu hồi đất; hoặc các dạng hồ sơ đất được các cơ quan phân, cho mượn, cho thuê không đúng thẩm quyền. Cụ thể, tại phường Thanh Xuân Bắc có 40 hồ sơ tại khu B1, B2. Đây là khu đất Trường Cảnh sát Nhân dân I không được giao quản lý, nhưng trường vẫn tự giao đất cho cán bộ, chiến sỹ.
Tại phường Thanh Xuân Trung, khu vực dãy lẻ phố Hạ Đình và ngõ 85 Hạ Đình có 159 hồ sơ. Trong đó, có nhiều hồ sơ, nguồn gốc đất là đất vỉa hè; đất nằm trong quy hoạch mở rộng đường; đất lưu không được các hộ gia đình thuê làm kiốt bán hàng, sau đó tự chuyển sang làm nhà ở. Ngoài ra, có một số hộ gia đình nằm trên đất của Tổng Công ty cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam. Tại phường Nhân Chính, 84 hộ gia đình nằm trong ô quy hoạch số 21 gồm 6 hộ có nguồn gốc đất nông nghiệp, sử dụng làm nhà ở trước thời điểm quy hoạch được duyệt và 78 hộ thuộc Trường Cảnh sát Nhân dân I, nguồn gốc đất do UBND xã Nhân Chính giao cho trường mượn. Trường đã tự chia đất cho CBCNV, các hộ tự xây dựng nhà ở kiên cố, khu đất nằm trong ô quy hoạch số 21 và mở rộng đường Vũ Hữu được thực hiện theo dự án riêng, hiện tại chưa có quyết định thu hồi đất…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính bày tỏ, một số khu đất trong ô quy hoạch số 21 bị cắt xén, không lấy hết, vẫn để cho dân ở, nhưng lại không cấp sổ đỏ. Mỗi khi tiếp xúc cử tri, các hộ dân có ý kiến, mong các cấp có chỉ đạo rõ để trả lời dân, đỡ vất vả cho chính quyền địa phương.
Đất "dính" quy hoạch vẫn có thể cấp sổ đỏ
Đại diện Sở TN&MT nhận xét, quận Thanh Xuân vẫn chưa tổng hợp hết các dạng vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ, như các dạng đất đất xen kẹt, quy hoạch, tự chia lô phải tháo gỡ thế nào, các trường hợp tranh chấp, khiếu kiện, thời hạn giải quyết ra sao. Với các hồ sơ tồn đọng, đủ điều kiện, quận phải giải quyết cho dân. Các tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, phải thống nhất chung. Bên cạnh đó, phải xem xét kỹ từng trường hợp được cấp sổ đỏ, tránh khiếu kiện về sau. Trách nhiệm hậu kiểm thuộc về UBND các phường, quận.
Về 84 trường hợp nằm trong ô quy hoạch số 21 (phường Nhân Chính), ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, các hộ dân đã sử dụng đất ổn định, làm nhà ở từ năm 1991, trước quy hoạch, thì tiếp tục kê khai cấp sổ đỏ, nếu ô đất đó có mục đích sử dụng đất là đất ở. Nếu cả lô đất có mục đích là nhà ở, không cần điều chỉnh quy hoạch chung của ô 21. Còn với những dự án quy hoạch khả thi, chuẩn bị thu hồi đất, nên giải thích cho dân hiểu. Còn các dự án chưa thu hồi đất, vẫn phải cấp sổ đỏ cho dân. Phường và quận làm thủ tục kê khai xét duyệt các trường hợp đủ điều kiện như hộ khẩu, thời điểm sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất… Trong quá trình cấp sổ đỏ, ghi rõ đất nằm trong quy hoạch nào, đến khi quy hoạch, thu hồi đất, vẫn phải thực hiện chính sách cho dân.
"Tại phường Thanh Xuân Trung, các cơ quan phân đất lấn chiếm vỉa hè phố Hạ Đình, ngoài chỉ giới là chia sai, không cấp được sổ đỏ. Đối với các hộ gia đình sinh sống ổn định trong ngõ 85 Hạ Đình, có thể cấp sổ đỏ, nhưng phải xem xét đến các điều kiện kênh mương, thoát nước. Nếu có phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, không thể cấp được sổ đỏ", ông Nghĩa khẳng định.
Với trường hợp 40 hồ sơ khu B1, B2 tại phường Thanh Xuân Bắc, theo ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, đất giao trái thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch, phải điều chỉnh. Thanh tra quận phải vào cuộc.
Trình độ hiểu biết về Luật Đất đai của người dân có mức độ, chính quyền phải vào cuộc, giải quyết cho dân theo hướng tháo gỡ. Những vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền của quận, phải báo cáo lên Sở TN&MT, UBND TP, để cùng tháo gỡ. Nếu không tháo gỡ được cho dân, bức xúc sẽ ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội |