Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Góc nhìn nhà giáo]: Không để học sinh học lệch

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Theo phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Đại lý, Giáo dục công dân), môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2019.

Theo Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Thị Thúy Nga, đây là phương án thi hợp lý nhất trong số các phương án tuyển sinh được đưa ra trước đó. “Phương án này vừa đáp ứng được mục tiêu giúp học sinh học đều tất cả các môn, vừa không có quá nhiều nhược điểm khiến học sinh học lệch, học ít hay phải học quá nhiều” – bà Nga cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Nga, thực tế, nhà trường đang gặp khó khăn trong việc thay đổi, lên kế hoạch học tập, ôn tập để kịp tiến độ thi cử. Bởi lâu nay, do đã quen với việc chỉ thi hai môn Toán, Văn nên nhiều học sinh có xu hướng coi nhẹ các môn còn lại. Đồng thời, nhiều học sinh là con em lao động nên mục đích của các em là học tập để thi đỗ cấp 3, chưa thấy được sự cần thiết của việc học toàn diện, nhất là học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, khi đề thi có một môn tự chọn chưa được biết trước, cũng có nghĩa là học sinh cần tăng tốc, vừa học vừa ôn tập kiến thức của cả 6 môn học có khả năng ra đề thi ngay từ bây giờ. Nên đối với những học sinh học lệch sẽ khá vất vả. Vì vậy, với phương án này, các em học sinh sẽ cần phải nỗ lực, cố gắng hơn, học đều các môn học, trong cả quá trình học cấp hai, đặc biệt khối học sinh lớp 8, lớp 9, không chờ đến năm cuối cấp mới học dồn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thầy, trò trong việc dạy, học và ôn thi, bà Nga góp ý, Sở GD&ĐT Hà Nội nên công bố sớm đề thi minh họa. Bên cạnh đó, đề thi cho hai môn Tiếng Anh và môn tự chọn chỉ yêu cầu học sinh học tập ở mức độ nắm bắt kiến thức của môn học, tránh ra đề theo hình thức đánh đố, quá nâng cao, yêu cầu hiểu sâu kiến thức gây áp lực cho cả học sinh và các giáo viên ôn thi. “Do năm nay là năm đầu áp dụng hình thức thi mới, chúng tôi mong rằng Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường từng bước cụ thể, làm thế nào để học sinh và thầy cô kịp thay đổi, có kế hoạch kỹ càng, hướng tới một kỳ thi chất lượng và toàn diện” - bà Nga bày tỏ.