Dịp kỷ niệm 25 năm ngày đất nước thống nhất, ông đã làm phim “Mùa xuân toàn thắng”, vậy phim mới nhất này có gì mới hơn?
- “30/4 - Ngày thống nhất” chia làm 2 phần, phần đầu là hình ảnh Sài Gòn 40 năm sau thay đổi ra sao, tôi cũng điểm qua Hội nghị Geneve, dẫn dắt nhanh đến chuyện Ngô Đình Diệm đẩy cả dân tộc phải đi hành trình dài. Mỹ đổ quân, các mốc quan trọng tiếp theo, khi Hội nghị Paris ký kết, miền Bắc được hòa bình. Phần hai đi sâu vào giai đoạn sau này, sau khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đánh chiếm Cửa Việt. Với tên gọi “Việt Nam chiến thắng”, tôi nhấn mạnh ở thời kỳ sau này mở cửa, Việt Nam là điểm đến thân thiện, cởi mở.
Cách đây 25 năm, do giai đoạn đó khác, nên phim chủ yếu phản ánh những trận đánh chiến dịch, nhưng cách nhìn của những người làm phim của 40 năm sau nhìn lại phải khác. Tôi cố gắng dựa trên sườn lịch sử, chọn điểm nhấn để giải quyết phim này, nhưng phải bóc được phần lõi, làm sao để cô đọng nhất, giới trẻ chấp nhận. Tôi chọn các nhân vật lịch sử chân thực chuẩn xác.
Được biết, đạo diễn mời được khá nhiều nhân vật đắt giá, thuyết phục họ có khó khăn gì không, thưa ông?
- Tôi mời ông Hà Văn Lâu - một nhân chứng của Hội nghị Geneve, nói về sự nan giải ở thời đó khi mà lực chúng ta không có. Khi nói về Hội nghị Paris, tôi mời ông Võ Văn Sung - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, có bàn đến Mỹ dùng các nước lớn o ép chúng ta ra sao. Còn một nhân vật nữa là nguyên Đô trưởng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh thừa nhận: Làm gì có chuyện miền Bắc đánh miền Nam. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - người sở hữu hơn 200 tấm bản đồ khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Rồi nhóm tình báo gia đình H63, trong đó hai vợ chồng, em trai, em gái đều hoạt động cách mạng cho ta từ chiến tuyến bên kia, không ai biết ai. Ban đầu, nhiều người cũng ngại, nhưng sau khi được thuyết phục và nhìn cách làm việc của mình, họ bằng lòng và sẵn sàng chia sẻ. Tôi cho rằng không nên gò bó, o ép họ, cứ để họ tự do bộc bạch thôi.
Riêng với trường hợp gia đình tình báo H63, tôi phải cam kết với bệnh viện để đón nhân vật về nhà gặp gỡ người thân và ghi hình. Xong xuôi lại đưa ông ấy trở về bệnh viện. Nghĩ lại cũng liều, ông ấy ốm yếu, nhỡ có làm sao...
Một số khán giả đầu tiên xem xong phản hồi, phim mới này của ông cách làm hơi cũ, nhưng họ thích tư tưởng và góc nhìn hòa hợp dân tộc mới trong phim này. Ông có thể nói rõ hơn?
- Đúng là cách làm phim của quân đội vẫn phải bám vào những mốc lịch sử quan trọng, từ chiến thắng Điện Biên Phủ trở đi. Dẫu thế, tôi cũng cố gắng điểm nhanh và đi vào nội dung chính. Có thể nói, tác phẩm có thời lượng hơn một tiếng này cho khán giả thấy rõ cuộc kháng chiến trong nhiều mảng miếng, khía cạnh. Hòa hợp dân tộc có từ đầu đến cuối, từ phát ngôn của ông Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Đình Đầu, thậm chí cả băng tư liệu ông Nguyễn Cao Kỳ đều nói, dân tộc Việt Nam thống nhất, ai cũng có khát vọng đó và phía bên kia làm được.
Xem xong phim, người ta hiểu chiến tranh giành độc lập để có ngày thống nhất quả là khủng khiếp. Chiến thắng ở đây là chiến thắng của cả dân tộc thắng giặc ngoại xâm, không phải Việt Cộng thắng Việt Nam Cộng hòa. Sự hòa hợp dân tộc còn thể hiện ở chỗ, có những thuyền nhân như Nguyễn Lịnh Nhân Đức đã khép lại quá khứ, trở về xây dựng quê hương, giống như hàng triệu kiều bào khác. Sự hòa hợp dân tộc còn thể hiện ở hình ảnh gần kết phim, tôi nêu ra vấn đề Biển Đông. Chúng ta giải quyết vấn đề đó khéo léo bằng phương pháp mềm dẻo. Và sự kiện đó cũng cho thấy sức mạnh đoàn kết, hòa hợp dân tộc khi người Việt Nam cả trong và ngoài nước cùng chung tiếng nói bảo vệ chủ quyền.
Một trong những khoảnh khắc đắt giá là hình ảnh 3 ngôi mộ của anh em nhà Ngô Đình Diệm, kèm với lời bình phù hợp. So với trước, cái nhìn hòa hợp dân tộc của nhà làm phim tài liệu lão làng như ông thay đổi ra sao sau mấy chục năm?
- Cả đoàn phim cũng vất vả lắm mới tìm được nơi chôn cất 3 anh em ông Ngô Đình Diệm. Như đã nói trong phim: Tội ác của ông Ngô Đình Diệm đối với đồng bào đã rõ, nhưng khi ông chết đi thì đất đai quê hương vẫn đùm bọc. Nền đệ nhất cộng hòa cũng theo ông về đây. Trong phim này, chúng tôi có nhìn nhận đúng bản chất hơn, điềm tĩnh hơn.
Điều tiếc nuối của tôi là vẫn còn nhiều nhân chứng, nhiều con người bình dị ngoài đời mà ta chưa có. Nếu còn tiếp tục làm phim về đề tài này, tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều nữa để khai thác. Hơn nữa, phim này do kinh phí và thời gian hạn hẹp, nên chưa có thêm nhiều thời gian để tìm đến nhiều nhân vật liên quan hơn nữa.
Xin cảm ơn đạo diễn!
Một cảnh trong phim tài liệu ''30/4 - Ngày thống nhất''.
|