Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góc nhìn về dinh dưỡng và ATTP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đầu tháng 8 âm lịch, trên thị trường đã có rất nhiều dòng sản phẩm bánh Trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng (NTD) và các chủng loại bánh sử dụng cho đối tượng riêng biệt (như người bị tiểu đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp).

Các sản phẩm này thông thường được sản xuất từ 3 nguồn: Bánh của các công ty, các nhà sản xuất tư nhân (thủ công), của các gia đình tự sản xuất (bánh home-made). Nếu trước đây chỉ có bánh dẻo và bánh nướng truyền thống, thì đến nay, các loại bánh rất đa dạng: Gà quay, lạp xưởng, bào ngư, hải sâm, trứng… đến khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, rau câu… và một số loại bánh chay, bánh cho người ăn kiêng. Bánh Trung thu cổ truyền thường ít hương vị, bao bì không hấp dẫn, độ ngọt cao và chất béo nhiều, lại là bánh gia truyền nên được người lớn tuổi và trẻ nhỏ hâm mộ. Ngoài ra, các loại bánh home-made cũng đang thịnh hành, hình thức tuy chưa thực sự đẹp nhưng “ghi điểm” bằng sự sáng tạo, mới lạ cũng như nguồn gốc rõ ràng. Những người trẻ thường thích các loại bánh hiện đại của các công ty sản xuất theo dây chuyền.
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu tại một ki ốt trên đường Hoàng Quốc Việt. 	Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng chọn mua bánh Trung thu tại một ki ốt trên đường Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Công Hùng
Song cứ vào dịp này, NTD lại đặt ra câu hỏi về chất lượng sản phẩm, về ATTP, nguồn gốc thành phần nguyên liệu... Các chuyên gia cho rằng, bánh Trung thu rất ngọt và béo, do đó cung cấp nhiều năng lượng. Vì vậy với những trẻ gầy còn đỡ, với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ tới sức khỏe. Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng, ngoài tạo nên hương vị đặc trưng còn là một biện pháp để bảo quản. Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một chiếc bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm (một bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn. Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, lượng chất béo trong một chiếc bánh Trung thu bằng 1 - 2 lần lượng chất béo trong một bát phở bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt dễ bị ôi, mốc gây ngộ độc. Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong, trẻ cần súc miệng ngay để không bị sâu răng, đặc biệt là bánh dẻo sẽ dính vào răng gây sâu răng nhiều hơn.

Về góc độ ATTP, bánh Trung thu là sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, gia vị, phụ gia... Mà mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất ATTP: Thực phẩm ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng...). Trong khi chế biến nếu không đảm bảo quy trình về vệ sinh, từ sơ chế nguyên liệu đến dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến sẽ làm cho sản phẩm không an toàn. Dù mỗi chiếc bánh thường có một gói hút ẩm đi kèm, nhưng bánh không bảo quản được lâu. Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định về ATTP làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính, mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe NTD.

Để bảo đảm ATTP bánh Trung thu, NTD là nhân tố quan trọng. Việc lựa chọn sản phẩm, nhà sản xuất, nơi bảo quản và nơi bán sản phẩm và khi sử dụng bánh của NTD sẽ góp phần tự kiểm soát ATTP bánh Trung thu. Khi chọn bánh, cần chú ý các tiêu chí sau: Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản...); sản phẩm có ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng. Ngoài ra, nên lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Đặc biệt, không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.