Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP: Doanh nghiệp cần thêm nhiều sự hỗ trợ

Nguyên Dương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói hỗ trợ khó khăn do Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ có quyết định ban hành, trong đó 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho DN, hộ kinh doanh được đánh giá là “cú hích” tiếp theo để kích thích, vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến băn khoăn, e ngại khó tiệm cận để thụ hưởng từ chính sách. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh đã có nhìn nhận xung quanh vấn đề này.

  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh
Mong nhanh chóng đi vào thực tế cuộc sống

Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này?

- Trước hết, tôi đánh giá cao chủ trương của Chính phủ là rất kịp thời. Điểm mới là gói hỗ trợ sẽ giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất để DN, hộ kinh doanh và người lao động thụ hưởng. Đây là giải pháp thiết thực trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống.

Đơn cử, DN được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. So với gói 62.000 tỷ đồng trước kia, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính DN... Tuy nhiên, DN cũng còn khá nhiều băn khoăn, e ngại.

Đánh giá cao về chính sách, vậy những băn khoăn đó là gì?

- Có thể thấy dù điều kiện đã được nới lỏng hơn, nhưng để đạt tiêu chí và đến được tay các DN cũng không phải đơn giản. Số lượng DN được vay với lãi suất 0% mà không nợ xấu chắc đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, số DN không có nợ xấu rất hiếm. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến phần lớn DN kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới nên không phải DN nào cũng đạt được tiêu chí này.
Ngay gói 62.000 tỷ đồng trước đó, số tiền lớn hơn nhiều còn rất ít DN được tiệm cận. Trong khi gói mới chỉ có 7.500 tỷ đồng dành cho DN, hộ kinh doanh sẽ không thấm gì so với nhu cầu. Do đó, cơ hội của DN càng mong manh hơn, nhất là với DNNVV, siêu nhỏ gần như không thể tiệm cận.

Vậy ông mong muốn gì khi triển khai thực hiện chính sách?

- Tôi cho rằng, để gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đến gần được với DN khi triển khai phải có đầu mối, chứ DN không biết bắt đầu từ đâu, hỏi ai... Điều DN thực sự cần thời điểm này là được hoãn thuế thu nhập DN và VAT. Nên có gói dành riêng cho DN, trong đó miễn, giảm thuế và tiền đóng góp. Bên cạnh đó, nên phân loại DN để cho vay.

Ưu tiên các DN sản xuất, thứ nữa đến các DN du lịch và đầu tư du lịch. Từ khi dịch bùng phát, các DN này đã phải gồng mình giữa cơn bão Covid-19, có thời điểm doanh thu bằng 0, thậm chí lỗ nặng nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng... Khi phân loại các DN được ưu tiên hỗ trợ, nguồn tiền sẽ đến được đúng đối tượng hơn. Tránh trường hợp DN không sản xuất, DN đầu tư lại được hưởng ưu đãi, dẫn đến hỗ trợ không đúng đối tượng... Tôi mong rằng, khi triển khai chính sách thực sự tạo “hơi thở cuộc sống”, đi vào thực chất đúng với ý nghĩa của nó.

Cần có giải pháp dài hạn

Từ những phân tích trên, vậy đâu là giải pháp lâu dài để kích thích nền kinh tế phát triển?

- Chúng tôi tiếp tục đề xuất kiến nghị với Chính phủ: Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với dịch Covid-19, mong Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch. Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mang lại những cơ hội lớn và cả những thách thức đối với Việt Nam. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng cần chuyển dần sang dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhất là diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, vừa tạo ra cơ hội cho phát triển nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức mới, đòi hỏi có những đổi mới tư duy và sáng tạo, có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ T.Ư đến địa phương; nên có những cải cách mạnh mẽ về thể chế thị trường để mở rộng không gian và tạo động lực mới cho huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực;

Cần khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tầng lớp Nhân dân đều tham gia vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Để có thể đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần xây dựng được nền tảng chính sách cho đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là có rủi ro. Nếu không biết chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro và thiếu sự kiên trì thì không thể có đổi mới sáng tạo. Do đó, phải có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển theo hướng tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ FDI; đồng thời, tập trung chủ yếu vào lựa chọn và tạo không gian phát triển các ngành kinh tế ưu tiên và phát triển DN ngang tầm khu vực, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Điều này đòi hỏi những chính sách khuyến khích, thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa nội ngành và tới toàn bộ nền kinh tế...

Còn mô hình quản lý nên theo hướng nào, thưa ông?

- Hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động thông qua cân bằng quyền lực trong bộ máy Nhà nước và giải quyết quan hệ lợi ích phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện phân cấp quản lý với phân cấp ngân sách; tinh giảm và kiện toàn bộ máy. Đây là khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi những động lực truyền thống cho tăng trưởng dường như đã được khai thác tới hạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Gói hỗ trợ lần này tất cả vì mục đích người lao động, chủ sử dụng lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; các cấp, các ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện." - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh