Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gợi ký ức Tết từ phiên chợ lâu đời nhất Hà Nội

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) họp ngay giữa lòng đường phố cổ, chủ yếu bán hoa đào, cây quất và họp duy nhất một lần trong năm vào dịp cận Tết. Điều này đã trở thành một thói quen đặc trưng truyền thống, tạo nên vẻ đẹp riêng của Hà Nội.

Video: Chợ hoa Hàng Lược những ngày cận Tết Nguyên đán năm 2024.

Điểm đến quen thuộc cận Tết

Đã trở thành truyền thống, mỗi khi Tết đến Xuân về thì chợ hoa phố cổ lại nhộn nhịp, trong đó dọc con phố Hàng Lược được “thay áo” với lung linh màu sắc, người bán kẻ mua tấp nập các tuyến phố. Chẳng ai có thể nhớ được chợ hình thành từ thời điểm nào, chỉ biết truyền tai qua nhiều thế hệ và trở thành một nét sinh hoạt độc đáo của người dân phố cổ, cũng như người dân Thủ đô Hà Nội. Chợ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp, càng gần Tết thì chợ càng đông vui, mang đậm không khí Tết Hà thành.

Chợ hoa Hàng Lược là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Ngọc Tú.
Chợ hoa Hàng Lược là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Ngọc Tú.

Thực hiện Kế hoạch của UBND TP Hà Nội và chủ trương của Thường trực Quận ủy, UBND quận đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức chợ hoa Xuân Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, từ ngày 25/01/2024 đến 20h00 ngày 9/02/2024 (tức ngày 15 đến ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão), Chợ hoa Xuân được tổ chức tại các khu vực trên tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, hàng Rươi, Hàng Mã và không gian Bích họa phố Phùng Hưng thuộc phường Hàng Mã. Tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã: Bố trí, sắp xếp các ngành hàng quất, hoa tươi, hoa đào; ngành hàng trang trí, đồ giả cổ,... Tại không gian Bích họa trên phố Phùng Hưng: Giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề Việt Nam như tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, sản phẩm OCOP... và giao lưu trình diễn một số  loại hình âm nhạc truyền thống vùng miền như hát Xẩm, xòe Thái, đờn ca tài tử...

Dọc tuyến phố được bày bán nhiều mặt hàng đủ màu sắc. Ảnh: Ngọc Tú.
Dọc tuyến phố được bày bán nhiều mặt hàng đủ màu sắc. Ảnh: Ngọc Tú.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, người dân từ khắp các vùng trồng hoa mang đào, quất và đủ các chủng loại hoa Tết về họp chợ, tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết ở Hà thành. Sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Lược, ông Nguyễn Đức Hinh có 70 năm gắn bó với chợ hoa truyền thống lâu đời nhất Hà Nội khẳng định, chợ hoa đã đi vào tiềm thức, nỗi nhớ của mỗi người dân Thủ đô mỗi khi Tết đến Xuân về, không ít các thế hệ người Hà Nội đã tìm thấy một phần ký ức tuổi thơ của mình khi theo bà, theo mẹ dạo chơi chợ hoa.

“Nét đẹp của chợ hoa là điều đã ghi nhận qua nhiều thế hệ, hiện nay chợ có nhiều thay đổi. Nếu như ngày xưa, tầm 28 Tết sẽ bán hoa tươi nhưng hiện nay, hoa đã được bán tràn lan dọc con phố, cùng với nhiều loại hoa du nhập tạo nên nhiều màu sắc, đa dạng về sản phẩm cho người dân lựa chọn” – ông Nguyễn Đức Hinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trực (70 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lựa chọn mua đào tại chợ Hàng Lược. Ảnh: Ngọc Tú.
Ông Nguyễn Văn Trực (70 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lựa chọn mua đào tại chợ Hàng Lược. Ảnh: Ngọc Tú.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại chợ hoa Hàng Lược, mọi người có thể dạo chơi, ngắm nhìn, chụp ảnh với tất cả các hàng hoa mà không nhất thiết phải mua, coi đó như một thú vui. Phấn khởi trên tay với cành đào ưng ý, ông Nguyễn Văn Trực (70 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dù Hà Nội có nhiều chợ hoa nhưng thói quen mua hoa tại Hàng Lược đã ăn sâu vào tiềm thức: “Không khí Tết tại chợ hoa Hàng Lược vẫn có đặc thù riêng. Không chỉ chợ hoa, Hà Nội cái gì cũng đẹp nên việc giữ gìn nét đẹp là điều cần làm đối với mỗi người. Đó là niềm tự hào, niềm vui mỗi dịp lễ Tết của người Hà Nội”.

Đổi mới nhưng vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống

Tại Hà Nội có nhiều chợ hoa Xuân trải dài nhộn nhịp, nhưng phải khẳng định, chợ hoa Hàng Lược vẫn là điểm hẹn văn hóa thu hút không chỉ người dân trong nước mà cả quốc tế. Nơi đây cất giữ hương vị ngày Tết mà mỗi người dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay không đều muốn trải nghiệm. Trải qua thời gian, chợ hoa đã có nhiều sự thay đổi để thích ứng với nhu cầu của người dân. Thông tin từ UBND phường Hàng Mã, những năm gần đây, chợ hoa đã có những đổi mới trong phương thức tổ chức chợ, sắp xếp nhiều ngành hàng đa dạng kéo dài suốt chiều dài của khu phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi tới phố Hàng Mã, góp phần làm cho chợ hoa Hàng Lược mang nhiều màu sắc rực rỡ, phong phú hơn khi Tết đến Xuân về.

Các tiểu thương chăm chút cho từng cành đào trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Tú.
Các tiểu thương chăm chút cho từng cành đào trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Ngọc Tú.

Ghi nhận tại chợ hoa, với các loại hoa tươi chủ yếu là đào, quất… người mua có thể tìm thấy những lẵng hoa lụa đủ loại, đủ sắc màu. Dọc tuyến phố Hàng Mã, người dân có thể mua cả đồ trang trí Tết rất phong phú, đa dạng. Trong khi đó, giá cả các loại mặt hàng hoa ở chợ Hàng Lược từ vài chục nghìn cho đến cả triệu đồng. Nhiều người có nhu cầu hay du khách tham quan ghé qua chợ hoa Hàng Lược những ngày cận Tết đều mua cho mình những sản phẩm ưng ý. Hiện nay, tại ngã tư giao giữa Hàng Lược và Hàng Mã còn bày bán những quầy đồ cổ, đồ giả cổ, từ bình hoa, tượng đồng, đèn dầu, hương nến… dành cho những ai nặng lòng với ký ức, hoài niệm xưa.

Người dân nô nức đi chợ hoa Hàng Lược sắp Tết. Ảnh: Ngọc Tú.
Người dân nô nức đi chợ hoa Hàng Lược sắp Tết. Ảnh: Ngọc Tú.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay diễn ra ở các khu chợ truyền thống cũng như siêu thị, các mặt hàng hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả… trà trộn nhiều. Cùng với đó, tình trạng mất trật tự đô thị hay vệ sinh môi trường diễn ra khá phổ biến. Nhằm giữ lại nét đẹp truyền thống của chợ hoa cũng như phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tại chợ hoa Hàng Lược, UBND quận Hoàn Kiếm đã có những chỉ đạo cụ thể.

Giới trẻ lựa chọn đi đón tết sớm tại chợ hoa Hàng Lược. Ảnh: Ngọc Tú.
Giới trẻ lựa chọn đi đón tết sớm tại chợ hoa Hàng Lược. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo đó, yêu cầu các DN, hộ kinh doanh tại chợ hoa Tết kinh doanh đúng ngành hàng, đảm bảo văn minh thương mại, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... Triển khai phương án PCCC, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh trong khu vực chợ hoa Tết chấp hành các quy định về PCCC.  Ngoài ra, kiểm tra, xử lý triệt để các điểm trông giữ phương tiện không phép, các điểm trông giữ thu giá trông xe quá quy định, sử dụng quá diện tích tại khu vực xung quanh chợ hoa Tết. Bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra trong khu vực chợ hoa Tết đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, phòng chống cướp, giật và các hành vi lừa đảo khác.