Gizmo5 chính thức về tay Google
Sau một số thương vụ gần đây như mua lại On2, reCAPTCHA đến Admod, Google cũng vừa lên tiếng xác nhận đã chính thức tiếp quản Gizmo5, hãng phát triển công nghệ thoại trên nền Internet tương tự Skype. Sắp tới, sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao công nghệ, chắc chắn Google Voice của gã khổng lồ sẽ có thể xưng hùng xưng bá.
Gizmo5 hoạt động trên cả PC và điện thoại di động. Một khi nằm dưới trướng Google, công nghệ của Gizmo5 sẽ cải tiến đáng kể dịch vụ thoại Google Voice. Là một sản phẩm tiên tiến đầy hứa hẹn, nhưng Google Voice lại không có trình ứng dụng VoIP, mà chỉ cho phép người dùng sở hữu một số điện thoại mới, duy nhất có khả năng chuyển cuộc gọi tới hàng loạt thiết bị, số điện thoại khác. Google Voice cũng cung cấp dịch vụ thư thoại.
Google Voice hoạt động dựa vào các mạng điện thoại sẵn có. Do đó, một khi sở hữu Gizmo5, Google sẽ có thêm cả một đế chế riêng trên Internet để tung hoành. Một mô hình dễ thấy nay mai là người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi VoIP miễn phí tương tự Skype ngay trên trình ứng dụng (client) hoặc qua nền Web với một tài khoản Google đồng nhất.
Ngoài ra, tính năng hòm thư thoại, hoạt động như email, kết hợp trực tiếp với các dịch vụ mở rộng hỗ trợ tương tác, đồng bộ và chia sẻ trực tuyến như Wave và Docs sẽ giúp Google chiếm lĩnh hàng loạt lãnh địa quan trọng trong tương lai không xa như liên lạc, giao tiếp trực tiếp.
Với tiềm lực tài chính khổng lồ, Google không ngần ngại chi đậm để có thể mua lại các hãng nhỏ hơn, nhằm trang bị thêm những tính năng, dịch vụ mới. Để có được bộ mặt Google Voice như hiện nay, Google đã phải bỏ ra một khoản không nhỏ để giành lại GrandCentral 2 năm trước.
Google đã quyết định tạm ngưng không cho đăng kí tài khoản Gizmo5 mới để tập trung lên những kế hoạch tiếp theo. Các tài khoản hiện tại vẫn hoạt động bình thường.
Chi 2,7 tỉ USD, HP "hốt trọn" 3Com
Không chỉ có Google, HP cũng gây tiếng vang khi tiết lộ kế hoạch mua lại 3Com, đúng 30 năm sau khi Robert Metcalfe, tác giả của công nghệ Ethernet sáng lập. Sở hữu 3Com hứa hẹn sẽ giúp HP khẳng định được thương hiệu ở nhóm các sản phẩm phát triển trung tâm dữ liệu như Switch, Router, sản phẩm an ninh...
HP sẽ trả "nóng" 7,9 USD cho một cổ phiếu của 3Com. Các điều khoản cuối cùng liên quan đến vấn đề nhạy cảm nhất - giá cả- cũng đã được ban điều hành của cả hai bên gật đầu đồng ý.
Gần đây, 3Com đã bắt đầu trở lại thị trường Bắc Mĩ sau nhiều năm tập trung vào Trung Quốc, với hàng loạt sản phẩm mới, nhất là nhóm sản phẩm xây dựng mạng và trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, HP lại thường rơi vào tình trạng thiếu hụt nhóm sản phẩm này, chẳng hạn model ProCurve 6600, dòng switch tối ưu trung tâm dữ liệu, gồm 24 cổng hỗ trợ kết nối Ethernet 10 Gbps, hay các model switch thuộc dòng 6120. Ngài Dave Donatelli, phó chủ tịch HP cho hay: "Kết hợp những gì HP ProCurve mang đến cùng với các giải pháp mở rộng của 3Com, chúng tôi có thể giúp khách hàng xây dựng nền tảng mạng thế hệ mới".
HP từng tuyên bố, hãng sẽ tìm mọi cách để khắc phục những khoảng trống công nghệ đang đối mặt, kể cả phải thiết kế sản phẩm mới từ đầu, hợp tác hoặc mua lại công nghệ, để xây dựng các trung tâm dữ liệu thế hệ mới và một mô hình dịch vụ thương mại ở phạm vi toàn cầu. Dựa vào các nền tảng mạng mới từ 3Com cũng như những gì đang nắm trong tay, mục tiêu của HP xem ra rất khả quan.
Nằm dưới trướng HP, 3Com sẽ mang đến một số model router dành cho doanh nghiệp, chẳng hạn dòng MSR với các tính năng của một máy chủ phiến trên nền Linux, chạy các ứng dụng mã nguồn mở như IP PBX, đảm bảo an ninh và tối ưu hóa WAN, tương tự như dòng sản phẩm ISR rất thành công của Cisco.
Ngoài ra, 3Com cũng giúp HP cải thiện khả năng phòng thủ an ninh trong môi trường mạng nhờ vào dòng sản phẩm TippingPoint. Hiện có 30% trong tổng số 1000 ngàn công ty được tạp chí Fortune xếp hạng đã triển khai hệ thống đánh chặn hiểm họa an ninh này. HP cũng chào đón dòng sản phẩm triển khai VoIP và các thiết bị cầm tay từ 3Com.
Ngoài mở rộng vị thế ở các sản phẩm mạng, việc mua lại 3Com cũng giúp HP cải thiện đáng kể hình ảnh và vị trí ở thị trường đông dân nhất thế giới. Theo nhận định của Rob Whiteley thuộc Trung tâm nghiên cứu Forrester Research, mục tiêu giành lấy 3Com của HP có 75% động cơ là vì thị trường và 25 % còn lại là nhu cầu bổ sung tiềm lực phát triển sản phẩm. Tài sản giá trị nhất của 3Com chính là liên doanh H3C và 700 triệu USD doanh thu từ Trung Quốc".
AMD và Intel cùng xuống nước
Hãng AMD (Advanced Micro Devices) và Intel cũng vừa thông báo đã đạt được một thỏa thuận lịch sử liên quan đến vụ tranh chấp chống độc quyền cũng như những rắc rối về bản quyền, sở hữu trí tuệ kéo dài nhiều năm nay.
Theo cam kết giữa hai bên, Intel đồng ý sẽ trả cho AMD 1,25 tỉ USD. Cả hai cùng chấp thuận một thỏa thuận về bản quyền trong vòng 5 năm, chấm dứt tình trạng kiện cáo vi phạm hợp đồng bản quyền trước đây.
"Trước đây, mối quan hệ giữa AMD và Intel luôn rất căng thẳng, nhưng thỏa thuận lần này sẽ chấm dứt mọi tranh chấp pháp lý và giúp cho cả hai có thể tập trung nỗ lực vào việc cải tiến và phát triển sản phẩm", thông cáo hợp tác giữa hai "ông lớn" cho hay.
Về phần mình, AMD đồng ý sẽ chấm dứt mọi kiện tụng pháp lý, có 1 trường hợp ở Mĩ và 2 ở Nhật Bản. Trong khi đó, CEO Paul Otellini của Intel cũng khẳng định, thương vụ hợp tác lần này là một bước đi có lợi.
Tuy nhiên, trận chiến pháp lý với Intel vẫn còn rất dài. Hết rắc rối với Ủy ban thương mại liên bang Mĩ FTC, EU và Ủy ban thương mại Hàn Quốc cùng những mức phạt "kha khá", Intel vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự săm soi từ các cơ quan chức năng, ngay cả khi đã "làm hòa" với AMD.