Chiều 20/8, Ban Chỉ đạo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp trung ương” đã họp lần 2 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình triển khai Đề án, đồng thời thống nhất Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.
Tham dự buổi họp còn có Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục như hầu hết quy chuẩn chuyên môn dùng cho giám định tư pháp của từng lĩnh vực chưa được các bộ, ngành ban hành hoặc hướng dẫn phù hợp.
Đây cũng chính là nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng có nhiều kết luận giám định về cùng một nội dung nhưng kết quả khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau do thiếu căn cứ khoa học, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Đáng chú ý, Bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dùng trong giám định pháp y (nhiệm vụ được phân công từ năm 2010) nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành.
Hiện tại vẫn phải vận dụng văn bản quy chuẩn từ năm 1995 để tiến hành giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe, làm giảm độ tin cậy của cơ quan, tổ chức và công dân, dễ dẫn đến những khiếu nại về kết quả giám định.
Theo đại diện Bộ Công an, một trong số những nguyên nhân làm chậm quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án là do khâu tổ chức giám định, nhất là đối với những vụ án mà cơ quan điều tra trưng cầu giám định của bộ chuyên ngành, phải phụ thuộc vào thời gian tiến hành giám định của các bộ được trưng cầu, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra cả vụ án.
Nêu ra những khó khăn giống Bộ Công an trong việc thiếu thốn cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giám định viên, đại diện Bộ Y tế đề nghị cần trang bị những thiết bị kỹ thuật hiện đại, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ, chuyên viên giám định.
Đại diện Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) cho biết Viện đã hoàn thiện dự thảo Bảng giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe và đang trình lãnh đạo Bộ để sớm ban hành trong thời gian tới. Đại diện các bộ, ngành, cơ quan tư pháp trung ương cũng đề nghị Ban Chỉ đạo chú trọng đến việc đào tạo cán bộ giám định, nhất là chuyên gia pháp y để tránh tình trạng thiếu hụt cán bộ pháp y như hiện nay.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cho rằng trong thời gian dài vừa qua, lĩnh vực giám định tư pháp còn nhiều yếu kém gây nên những khó khăn cho công tác tư pháp các cấp. Nhiều phần việc tồn đọng đã lâu nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết.
Đề xuất những công việc trọng tâm từ nay đến đầu năm 2013, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể các mốc thời gian hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn cũng như tiến độ xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ quan giám định.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, thảo luận xây dựng những Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án tại một số địa phương. Tập trung phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ quan, khách quan đang tồn tại để có giải pháp, lộ trình khắc phục kịp thời.
Phó Thủ tướng khẳng định việc hoàn thiện cơ chế, tổ chức các cơ quan giám định tư pháp là hành động cụ thể góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về hoạt động tư pháp cả nước.
Ghi nhận những cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành địa phương chú trọng đến việc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan pháp y đối với các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, nhất là những cơ quan giám định về các lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, xây dựng, ngân hàng...
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám định; triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Đề án, hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ còn tồn đọng ngay trong năm 2012. Tích cực tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giám định viên; thực hiện thống kê, rà soát về tổ chức, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định, kết quả thực hiện giám định thuộc thẩm quyền.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp thường xuyên đôn đốc, giám sát các công việc liên quan, đảm bảo tiến độ của Đề án./.