Grab cho biết, trong năm 2017 đã đóng 189 tỷ đồng vào ngân sách. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, hãng này đã đóng số thuế vượt cả năm 2017, đạt mức 198 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.
Grab cho biết sẽ đóng số tiền khoảng 500 tỷ đồng tiền thuế cho kỳ thuế năm 2018. Gần nhất, trong 7 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng số thuế là 224 tỷ đồng tại Chi cục thuế quận 10 - TP Hồ Chí Minh. Theo DN này, kết luận thanh tra số 1075/KT-CT của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9/2017 cũng đã chỉ rõ chế độ lưu trữ sổ sách tại công ty này đảm bảo, phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán Việt nam.Tại buổi họp báo thường niên của Bộ Tài Chính ngày 28/10/2017, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế cũng đã xác nhận Grab đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong giai đoạn 3 năm (2014 - 2016). Tuy nhiên, DN này cho biết, họ đang gặp những khó khăn, vướng mắc tại Việt Nam trong việc nộp thuế. Grab cho rằng, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chưa chính xác, chỉ tập trung vào vấn đề cạnh tranh, nghĩa vụ thuế, chuyển tiền ra nước ngoài.Grab cũng đề nghị nghĩa vụ thuế trong mô hình hợp tác sử dụng ứng dụng điện tử cần được xem xét một cách tổng thể, bao gồm nghĩa vụ nộp thuế của Grab và các đối tác (từ hợp tác xã, các công ty sở hữu xe đến các đối tác tài xế xe 2 bánh) thì mới đảm bảo tính toàn diện. “Nếu chỉ chọn riêng Grab để so sánh giá trị nộp thuế với các hãng dịch vụ vận tải khác, sẽ có sự khác biệt rất lớn về con số, bởi DN này không sở hữu xe, không khấu trừ khấu hao tài sản, không có hoạt động thanh lý, mua bán xe... Trong khi các DN vận tải được kê khai 100% chi phí mua xe, vận hành, bảo dưỡng và được khấu trừ rất nhiều chi phí đi kèm”, văn bản nêu.Từ đó, Grab mong muốn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kịp thời có những thông điệp rõ ràng và khách quan để người tiêu dùng có quan điểm đúng đắn về hoạt động kinh doanh của Grab.Về khoản nợ thuế khoảng 54 tỷ đồng của Uber khi DN này mua lại Uber, Grab không đề cập đến. Trong khi đó, tại buổi họp sơ kết 6 tháng ngành thuế ngày 20/7, ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Thuế có giải pháp gỡ rối cho đơn vị với khoản tiền bị truy thu thuế của Uber. Theo ông Tâm, hiện Uber đã không tồn tại ở Việt Nam nên cơ quan chức năng không thể thực hiện thu thuế. Trong năm 2017, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thanh tra và ra quyết định truy thu Uber gần 67 tỷ đồng. Tới cuối năm 2017, Uber đã chấp nhận nộp lại ngân sách 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản 54 tỷ đồng còn lại, Uber chưa chấp nhận nộp lại. Tuy nhiên, Uber không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam nên Cục Thuế TP Hồ Chí Minh chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo quy định.