Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gruzia tiếp tục từ chối siết lệnh cấm vận với Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gruzia - quốc gia ứng viên Liên minh châu Âu (EU), trước đây đã từ chối cùng nhiều nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt Moscow với lý do lo ngại về an ninh.

Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze. Ảnh: AFP
Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze. Ảnh: AFP

Ngày 20/2, Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze khẳng định, nước này sẽ tiếp tục từ chối những lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo đài RT, tuyên bố mới nhất được Thủ tướng Kobakhidze đưa ra trong cuộc gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell tại Brussels.

Tại cuộc thảo luận nói trên, nhà lãnh đạo Gruzia được các phóng viên hỏi về yêu cầu mở “mặt trận thứ hai” chống Nga. “Những tuyên bố này là rất đáng tiếc” - Thủ tướng Kobakhidze cho hay và nhấn mạnh Gruzia đang hỗ trợ chính trị mạnh mẽ cho Ukraine, cũng như gửi viện trợ nhân đạo tới Kiev.

Gruzia trước đây đã từ chối cùng nhiều quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga với lý do lo ngại về an ninh.

“Liên quan đến các lệnh trừng phạt, Gruzia có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Chúng tôi không áp đặt các biện pháp trừng phạt và có lý lẽ xác đáng để thực hiện điều đó” - Thủ tướng Gruzia giải thích.

Về phần mình, ông Borrell hứa sẽ chuyển thông điệp tới phía Ukraine về thiện chí của Gruzia để hai bên có thể duy trì mối quan hệ tốt nhất có thể. Quan chức EU lập luận thêm rằng những tranh cãi giữa Gruzia và Ukaine sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Nga. Ông Borrell cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Gruzia, quốc gia đã được trao tư cách ứng cử viên gia nhập EU từ tháng 12/2023.

Gruzia chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga sau cuộc xung đột quân sự kéo dài 5 ngày hồi tháng 8/2008. Moscow đã công nhận những khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia là các quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, Gruzia vẫn khẳng định, việc áp đặt các lệnh cấm vận đối với Nga sẽ khiến căng thẳng leo thang. Năm ngoái, Chủ tịch Quốc hội Gruzia Shalva Papuashvili cho biết, nước này không có ý định áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga vì ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga

EU tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, theo quyết định của Hội đồng châu Âu được công bố trên trang web hôm 20/2. Các hạn chế sẽ được gia hạn lại vào tháng 2/2025.

Ngày 20/2, EU đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 1 năm nữa. Ảnh: Getty
Ngày 20/2, EU đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 1 năm nữa. Ảnh: Getty

EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Các biện pháp hạn chế hiện tại đã nhắm vào một loạt lĩnh vực, bao gồm cấm vận thương mại, đi lại, cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với doanh nhân và quan chức Nga.

Brussels hiện đang nỗ lực thông qua gói trừng phạt thứ 13 đối với Moscow, vốn cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên trong khối trước 24/2, thời điểm đánh dấu 2 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

EU cũng đã đóng băng tài sản thuộc Ngân hàng trung ương Nga, ước tính khoảng 196,6 tỷ euro (211 tỷ USD), do  Trung tâm thanh toán và lưu ký chứng khoán Euroclear có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nắm giữ. Brussels đang tìm cách thu lợi nhuận từ các quỹ này, khoảng gần 4,4 tỷ euro, để hỗ trợ Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 20/2 thông báo EU đang chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý cho việc thu giữ lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Nga nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với nước này và cảnh báo rằng chúng gây tổn hại cho EU nhiều hơn Moscow về mặt kinh tế. Điện Kremlin cũng tuyên bố sẽ trả đũa nếu có bất kỳ hành động nào nhắm vào tài sản của họ được nắm giữ ở nước ngoài, khi coi điều này tương đương với hành vi trộm cắp.