Nhớ lại hình ảnh thầy giáo Tôn Thân - người thầy của mình thời phổ thông - GS Ngô Bảo Châu "nghiệm" ra một bài học giản dị mà không dễ làm:
"Khi bản thân trở thành thầy giáo, tôi mới nhận ra rằng để luôn luôn chỉnh tề, để không bao giờ đễn trễ, để giảng bài dễ hiểu, và để động viên phê bình học trò đúng lúc và công bằng, người thầy phải nỗ lực lớn như thế nào".
Cuốn sách sắp được in được gọi là "thiên ký sự về thầy Tôn Thân được viết vào năm 1981", do nhà báo Đỗ Quốc Anh - nguyên Tổng biên tập tạp chí Thế Giới Mới thực hiện.
Học trò cũ vẫn thỉnh thoảng đến thăm thầy Tôn Thân. Với họ, thầy Tôn Thân là người thầy tỏa sáng về trí tuệ và nhân cách.
|
PGS-TS-NGND Tôn Thất Thân (Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) đã phát hiện và bồi dưỡng thuở ban đầu những tài năng toán học như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, TS Hoàng Lê Minh... Trước khi theo đuổi lâu dài nghề dạy toán, thầy Tôn Thân đã từng dạy văn.
Nội dung chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu
Thiên ký sự của anh Đỗ Quốc Anh về thầy Tôn Thân được viết vào năm 1981, trước cả khi lần đầu tiên tôi được cắp sách đến học thầy. Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khoá cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương.
Vào hè 2013, khi được đọc thiên ký sự được viết từ ba mươi năm năm trước, những kỷ niệm về lớp chuyên toán 7H-8H của thầy Tôn Thân bỗng chốc trở lại, hiển hiện rõ mồn một, dù rằng anh Đỗ Quốc Anh viết về các anh, chị học thầy ở những khoá trước. Với lối hành văn sinh động, đầy ắp câu chuyện và tình tiết, anh Đỗ Quốc Anh đã khắc hoạ một cách chân thực chân dung của người thầy mà chúng tôi yêu quý.
Đối với tôi, thầy Tôn Thân luôn là chân dung của người thầy mẫu mực. Thầy không bao giờ đễn trễ, trang phục thì luôn luôn chỉnh tề. Bài giảng toán của thầy lúc nào cũng trong sáng và dễ hiểu. Thầy luôn có những lời động viên, phê bình, đúng lúc và công bằng dành cho học trò. Khi bản thân trở thành thầy giáo, tôi mới nhận ra rằng để luôn luôn chỉnh tề, để không bao giờ đễn trễ, để giảng bài dễ hiểu, và để động viên phê bình học trò đúng lúc và công bằng, người thầy phải nỗ lực lớn như thế nào.
Thiện ký sự của anh Đỗ Quốc Anh là một tài liệu rất quý. Nhờ vào nó, ký ức về một thời, về một con người sẽ không thể phai đi trong tâm khảm chúng ta. Tôi tin rằng giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn.