Đổi mới tư duy lãnh đạo
CCHC công là một trong 13 chuyên đề được Quận ủy Hà Đông triển khai bồi dưỡng cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các phòng ban chuyên môn và 17 phường. Ngoài kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, quận Hà Đông đã tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo của các phòng, ban chuyên môn và các phường.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông, cho biết: “Cái đích cuối cùng của CCHC là việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) của cán bộ, viên chức trước người dân từ giải quyết TTHC mức độ 2 đến mức độ 4 và việc giải quyết đơn thư tại địa phương như thế nào để người dân không khiếu kiện vượt cấp.
CCHC có 5 nội dung đang triển khai, tùy vào từng địa phương để đưa ra những cách làm khác nhau. Đích đến cuối cùng: Người dân phải đến cơ quan Nhà nước ít nhất mà hiệu quả cao nhất. Điều này thể hiện ở trình độ, tư duy và vai trò lãnh đạo của cán bộ đơn vị đó”.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, thời gian qua, cán bộ phường Dương Nội đã chủ động đi học tập kinh nghiệm chuyển đổi số ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chủ tịch UBND phường Dương Nội - Nguyễn Huy Quang, cho biết: Phường Dương Nội phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết TTHC mức độ 4 là 20%, mức độ 3 tối thiểu là 40% trong tổng số TTHC giải quyết trên địa bàn.
Đến hết 9 tháng, tỷ lệ giải quyết TTHC mức độ 3 đạt trên 36,3%, chưa có kết quả đánh giá mức độ 4. 100% số TTHC đều giải quyết đúng và trước hạn. Có 702 người sử dụng quét mã trong quá trình giải quyết TTHC. Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” đều hài lòng với cách giải quyết TTHC của phường. Mặc dù vậy, phường vẫn muốn đẩy mạnh chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Phường xác định nếu địa phương không thực hiện thì các đơn vị khác vẫn chuyển đổi số và Dương Nội sẽ ở lại phía sau”.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Đến nay, các công dân đến phường Dương Nội đều được cán bộ Đoàn Thanh niên hỗ trợ đăng ký, đăng nhập làm TTHC trên mạng. Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Dương Nội Nguyễn Văn Kiên chia sẻ: “Hàng tuần tôi chịu trách nhiệm trực 3 ngày trong tuần để hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Mỗi ngày có khoảng từ 20 - 40 người đăng ký. Tôi thấy sử dụng tài khoản online rất tốt cho người dân đỡ phải đi lại nhiều. Khi người dân, DN ở nhà nộp hồ sơ qua mạng và chỉ đi một lần đến lấy kết quả nếu thực hiện dịch vụ công mức độ 3; còn khi sử dụng dịch vụ công mức độ 4, kết quả được chuyển thẳng về nhà”.
Phòng Lao động và Thương binh xã hội (LĐ&TBXH) quận Hà Đông cũng là một trong những đơn vị có nhiều TTHC liên quan đến người dân. Cán bộ khi được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sẽ thực hiện tốt các công việc TTHC.
Bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng LĐ&TBXH quận Hà Đông cho biết: “Ngành LĐ&TBXH có 55 TTHC kể cả ở cấp quận, phường đang thực hiện, trong đó có 90% là TTHC liên thông 2 cấp và 3 cấp. Việc quận tập huấn nghiệp vụ liên quan đến CCHC rất thiết thực đối với chúng tôi, nhất là trong thời điểm đẩy mạnh chuyển đổi số. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin cho cán bộ và người lao động, làm tốt việc thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC, đảm bảo xử lý đúng quy trình, quy định, kịp thời, tránh để người dân đi lại nhiều”.
Theo Quận ủy Hà Đông, trên địa bàn quận có trên 80% số người dân sử dụng điện thoại smartphone. Việc trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, địa phương sẽ nâng cao nhận thức để chuyển biến thành hành động.
Trong 9 tháng năm 2022, quận Hà Đông đã thực hiện 6 lần rà soát và ban hành văn bản công khai TTHC thuộc thẩm quyền UBND quận và UBND các phường. Có 248/271 TTHC rút ngắn thời gian, đạt tỷ lệ 91,5% cấp quận và các phường 174/179 TTHC, trung bình rút ngắn thời gian thực hiện đạt 93%.
9 tháng năm 2022, quận tiếp nhận 12.899 hồ sơ, trong đó 6.667 hồ sơ trực tuyến; giải quyết đúng và trước hạn đạt 12.642 hồ sơ, còn 257 hồ sơ chưa đến hạn đang giải quyết. Các phường tiếp nhận 50.840 hồ sơ, có 12.201 hồ sơ trực tuyến. Giải quyết đúng và trước hạn là 50.780 hồ sơ, còn 60 hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn. Tất cả các hồ sơ giải quyết trực tuyến đều trả trước và đúng hạn.