Dồn sức diệt bọ gậy và muỗiTính từ đầu năm đến 3/9, quận quận Hà Đông phát hiện 1.632 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, với 280 ổ dịch. Có 1 bệnh nhân mắc bệnh tử vong tại phường Quang Trung. Hà Đông hiện đứng thứ 5 toàn Thành phố về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Theo dự báo của quận, tháng 9 và tháng 10 tình hình thời tiết mưa nhiều và là thời điểm học sinh, sinh viên nhập trường, gia tăng số lượng lớn người từ các nơi đến học tập và sinh sống trên địa bàn quận, do đó quận đã tập trung mọi lực lượng triển khai diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành.
|
Người dân phường Phú Lương lật các dụng cụ chứa nước, loại bỏ môi trường cho muỗi sinh sản. |
Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 trên địa bàn quận bùng phát số ổ dịch, số người mắc bệnh SHX, quận đã thành lập 1.489 đội xung kích diệt bọ gậy với 3.112 người tham gia, có sự tập huấn về công tác tìm, diệt bọ gậy; 229 tổ giám sát với 499 cán bộ y tế và dân phố, triển khai hàng trăm chiến dịch vệ sinh môi trường tại các phường có ổ dịch.
Từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9, UBND quận đã triển khai 4 đợt tổng vệ sinh môi trường với quy mô toàn quận. Trong quá trình triển khai diệt bọ gây, muỗi trưởng thành, UBND quận chỉ đạo các phường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đội xung kích, tổ giám sát. 3 đơn được quận thức hiện trong tháng 8 và đợt 4 được quận triển khai làm vệ sinh môi trường diệt bọ gậy từ 1-3/9, trước khi học sinh bước vào năm học mới.
Ngoài lực lượng trong đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết do quận tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đã huy động các đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ, tổ dân phố, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. Toàn quận đã kiểm tra được 207.302 lượt hộ gia đình và 100% các khu công cộng, gồm: Trường học, công viên, nghĩa trang, công trình xây dựng... Qua kiểm tra trên 415.530 dụng cụ chứa nước, phát hiện 16.134 dụng cụ có bọ gậy và xử lý. Thả hơn 10.000 con cá, sử dụng 3.000 gói Abate diệt bọ gậy muỗi.
|
Khi được trang bị máy phun hóa chất, các phường chủ động phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy ở những nơi tập trung đông người. Phun thuốc tại nhà hàng kinh doanh ăn uống tại Văn Quán. |
Đầu tháng 8 quận mới có 6 máy phun thuốc diệt muỗi, đến đầu tháng 9 qua thực hiện xã hội hóa toàn quận có 37 máy phun thuốc, trong đó có 35 máy phun đeo vai, 1 máy phun công suất lớn và 1 máy phun mù nóng. Số lượng máy trang bị tăng có phường đã có 2 máy phun thuốc nhằm giúp các địa phương chủ động phun hóa chất khi có ổ dịch phát sinh.
Đặc biệt nhằm hạn chế dịch bùng phát trong tháng 9 khi các em học sinh đến trường học, quận đã bổ sung lực lượng cho đội cơ động phòng chống dịch gồm 10 chiến sĩ thuộc phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 9 và 10 chiến sĩ từ Sư đoàn 301 để phối hợp với UBND các phường đang triển khai phun hóa chất diện rộng theo kế hoạch của quận, 2 ngày/phường và phun liên tục đến hết 3/9 phun xong 100% các phường.
Hạn chế số ổ dịch và số ca mắc bệnhTính đến hết 2/9, quận Hà Đông đã triển khai hoàn thành phun thuốc, diệt bọ gậy đợt 4 ở 17 phường. Cụ thể, đã phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy tại 290 cơ quan, đơn vi, 28 chợ, 6 bệnh viện, 9 khu đô thị bỏ hoang, 117 công trường xây dựng, 92 khu đất trống, 125 đình chùa miếu, 68 nghĩa trang…, đảm bảo 100% khu vực công cộng được phun hóa chất theo kế hoạch.
Đối với 126 trường học trên địa bàn đến ngày 3/9 đã được phun lần 2, một số trường phun lần 3, đảm bảo 100% các trường được phun hóa chất, diệt bọ gậy.
|
Trường học, nơi công cộng được phun hóa chất diệt muỗi vào ban đêm tại phường Phú Lương. |
Đối với các khu dân cư, quận đã khoanh vùng phun thuốc, tỷ lệ phun đạt 95%. Trong quá trình triển khai, UBND quận xây dựng kế hoạch cụ thể, lịch trình tổ chức phun, thông báo rộng rãi đến các tổ chức và nhà dân để có người mở cửa cho công nhân phun; đảm bảo làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trước khi phun. Quá trình phun và sau phun thuốc có cán bộ y tế giám sát.
Theo ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông, ngoài những biện pháp kể trên, ngày 6/9 quận đã tổ chức hội nghị truyền thông về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong các trường học cho 350 lãnh đạo là hiệu trưởng, chủ cơ sở giáo dục thuộc các khối trường: THPT, THCS, tiểu học, mầm non kể cả công lập và tư thục của 110 trường; cùng với 240 chủ cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trong các khu dân cư. Quận nêu cao tinh thần chủ động của các ban giám hiệu trường, cán bộ y tế trường học, các em học sinh trong việc làm vệ sinh môi trường, chú trọng việc diệt bọ gậy tại trường và gia đình học sinh.
|
Quận tăng cường truyền thông về phòng chống SXH trong các trường học. |
Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND quận ngoài việc phun hóa chất 3 lần trong các trường học, nhưng quận vẫn chỉ đạo và giao trách nhiệm đối với ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng và chủ cơ sở giáo dục đề cao việc làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Bởi vì, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành cũng chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định, nếu môi trường không được dọn dẹp, muỗi vẫn có chỗ để sinh sản thì hiệu quả phun thuốc không cao. Quận sẽ kiểm tra đột xuất thường xuyên các trường về công tác làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Đến nay, ngoài kinh phí do TP cấp, UBND quận đã chi trên 2,7 tỷ đồng đảm bảo cung ứng hóa chất diệt muỗi, abate và kinh phí tổ chức truyền thông, tuyên truyền cho công tác phòng chống dịch. UBND các phường cũng đã chủ động chi kinh phí cho các đội xung kích và tổ giám sát phường hoạt động thường xuyên.
Nhờ dồn sức tổng lực làm vệ sinh, diệt bọ gậy, muỗi đến nay Hà Đông đã giảm 243 ổ dịch SXH, từ 280 ổ dịch xuống còn 37 ổ dịch đang hoạt động. Số lượng người mắc bệnh SXH đầu tháng 8 tăng mạnh, đặc biệt chỉ riêng Phú Lương có đến 20 ca mắc trong 1 ngày thì nay đã hạn chế khá lớn. Số ca mắc trong tuần 35, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 trên toàn quận là 264 người. Ổ dịch lớn nhất là Phú Lương đã giảm hẳn còn 14 ca trong tuần.
Tuy nhiên, một số phường La Khê, Kiến Hưng, Mộ Lao, Phú La, Yên Nghĩa... là có số bệnh nhân gia tăng. Quận sẽ tiếp tục tập trung lực lượng cho các phường nhằm giảm số bệnh nhân và ổ dịch SXH.