Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông kiên quyết xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội và cả năm 2017, quận Hà Đông đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và công thương.

Cấp giấy chứng nhận quản lý cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội đầu năm và cả năm 2017, UBND quận Hà Đông đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của quận, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Trên cơ sở đó, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, rau xanh đủ điều kiện.
 Các cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm tại chợ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm có đầy đủ bảng hiệu để người dân nhận biết, giám sát.
Theo ông Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông, qua rà soát những cơ sở chưa đủ điều kiện, hoặc vi phạm các quy trình chế biến quận tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất, chế biến và lưu thông thực phẩm để cho đại diện các cơ sở này học tập. Sau bài kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực tế tại cơ sở thấy đạt mới cấp giấy để tiếp tục hoạt động.

Các cơ sở được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm theo phân cấp quận và phường, bao gồm: Các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm, rau xanh; các bếp ăn tập thể trong nhà trường, tại các doanh nghiệp; các cơ sở chế biến thực phẩm trên đường phố, phục vụ đám cưới, đám tang, lễ hội …

Ban quản lý các chợ tổ chức sắp xếp các ngành hàng thực phẩm hợp lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, tổ chức vệ sinh tại khu vực kinh doanh, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường.

Các cơ quan chức năng của quận thành lập đoàn liên ngành, phối hợp chặt chẽ với UBND các phường kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 HTX Hòa Bình năm 2015 khi kiểm tra phát hiện sổ ghi chép hàng hóa tại cửa hàng chưa đầy đủ, sau khi được quận chấn chỉnh đến nay đã đảm bảo các quy định về kinh doanh rau củ an toàn.
Năm 2014, quận Hà Đông cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 12 cơ sở, trong đó có 8 đơn vị xếp loại A. Năm 2015 quận cấp giấy cho 15 đơn vị, trong đó cũng có 8 đơn vị xếp loại A. Đến 2016 quận cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 17 đơn vị, trong đó số cơ sở xếp loại A đã tăng lên là 12 đơn vị. Các phường đã cấp giấy chứng nhận cho 22 cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Đối với lĩnh vực công thương, quận Hà Đông đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 10 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; cấp 40 giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho các cá nhân và cơ sở theo đúng thủ tục hành chính.

Kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm

Cùng với việc cấp giấy phân loại đơn vị đủ điều kiện sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, các cơ quan chuyên ngành của quận là Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, và Đội quản lý thị trường số 26 thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở. Trong đó 2016 quận đã tiến hành kiểm tra 16 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4 đơn vị, buộc tiêu hủy 20 kg thịt lợn hết hạn sử dụng và 20 kg thịt lợn sơ chế không có hóa đơn chứng từ; Kiểm tra một số hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Hà Đông kinh doanh phụ gia thực phẩm quá hạn sử dụng và tiêu hủy toàn bộ số phụ gia này.
 Cơ quan Y tế kiểm tra thực phẩm tại siêu thị Big C Hà Đông.
Cùng với kiểm tra tại các chợ, Hà Đông còn tăng cường công tác kiểm tra kinh doanh thực phẩm tại các siêu thị Metro, Co.opmart, Vinmart, Sapomart cửa hàng tiện ích, các cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh trung thu… Trong đó, đã phát hiện, tiêu hủy gần 150 kg thịt bò, thịt lợn, thịt gà tại Sapomart cửa hàng kinh doanh 102 Tô Hiệu không đảm bảo chất lượng. Các đơn vị kể trên khi kiểm tra có 70% cơ sở có đủ giấy tờ về bảo đảm an toàn thực phẩm, còn lại 30% đang trong quá trình làm thủ tục và chưa làm thủ tục gửi cơ quan chức năng xem xét.
Theo chỉ đạo của quận Hà Đông, năm nay quận sẽ kiên quyết xử lý, truy xuất các cơ sở vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; dẹp bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ nếu buông lỏng quản lý nhà nước, không hoàn thành chức trách nhiệm được giao, quận cũng có hình thức xử lý phù hợp và cao nhất là buộc thôi việc.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận đã chủ động kiện toàn đội cơ động phòng chống dịch, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để phát hiện điều tra và xử lý kịp thời nếu có ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.