Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông: Nhiều vướng mắc được giải quyết sau đối thoại

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, những năm qua cả 2 cấp chính quyền quận và phường trên địa bàn Hà Đông đã tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Từ đó, nhiều vướng mắc đã được giải quyết sau những buổi đối thoại.

Tăng cường trách nhiệm
Giữa tháng 6, quận Hà Đông tổ chức đối thoại với người dân doanh nghiệp nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Điều đáng ghi nhận là, 6 tháng đầu năm 100% TTHC tại Hà Đông đã tiếp nhận 7.044 hồ sơ TTHC. Trong đó, giải quyết trước và đúng hạn 6.813 hồ sơ, với trên 4.900 hồ sơ giải quyết ở mức độ 3 và 4. Tại các phường đã tiếp nhận 41.704 hồ sơ; trong đó có 7.080 hồ sơ giải quyết trực tuyến. Số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 100%, với 41.330 hồ sơ.
 Hình ảnh đối thoại với công dân tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông.

Ghi nhận tại cuộc đối thoại của UBND phường Phú Lãm với người dân cho thấy, hầu hết, các ý kiến của DN, người dân được mời đến đối thoại đều bày tỏ ý kiến hài lòng và rất hài lòng với các TTHC được cả 2 cấp rút gọn khá nhiều; thái độ phục vụ của các cán bộ công chức (CCVC) đã thay đổi khá tốt sau mỗi lần đối thoại.
Ông Phạm Văn Cống - phường Phú Lãm chia sẻ, là người mới chuyển về phường Phú Lãm từ tháng 8/2019. Khi đến bộ phận một cửa phường Phú Lãm làm các TTHC đều nhanh gọn, thái độ của CCVC niềm nở. Các cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC đều hướng dẫn công dân kỹ lưỡng các bước thực hiện và ngày trả kết quả, có trách nhiệm rất cao, tận tình giúp dân khi có vấn đề chưa rõ.
Bà Phạm Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho hay: "Chúng ta đang xây dựng chính quyền điện tử, với mục đích phục vụ nhân dân tốt nhất. Để giải quyết tốt TTHC, tạo điều kiện cho người dân và DN, Hà Đông đã xây dựng Đề án xây dựng cơ quan điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Cán bộ là một cán bộ điện tử và phải có công dân điện tử. Với một người cán bộ điện tử, luôn phải phấn đấu đạt chỉ số hài lòng của người dân được cao nhất, khi nhận thủ tục và hướng dẫn người dân một cách khoa học, thuận lợi.
Tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc
Mặc dù đã có nhiều cố gắng đạt được sự hài lòng và rất hài lòng của người dân, nhưng cấp quận vẫn có 281 hồ sơ và cấp phường có 240 hồ sơ trả lại cho công dân do không đủ điều kiện để giải quyết. Thực tế, mỗi bộ hồ sơ chỉ thiếu 1 loại giấy tờ đã không được nhận để giải quyết.
Đặc biệt, qua đối thoại với dân có khá nhiều TTHC mà ngay cả cấp chính quyền cơ sở cũng bất ngờ, khiến cho người dân khó giải quyết. Cụ thể, một trường hợp của anh Đặng Đình Khoa ở Phú Lãm cho biết: Bố anh đã mất, khi làm thủ tục xin giấy phép xây dựng thì đòi hỏi thửa đất phải mang tên chính chủ của người xin giấp phép. Nhưng người đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bố anh. Do vậy, anh phải chuyển quyền sử dụng đất. Khi đi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thì Văn phòng Công chứng đòi hỏi bố anh phải có giấy khai sinh. Đây là điều không thể, bởi không ai cấp giấy khai sinh cho người đã mất.
 Những ý kiến của người dân gửi bằng văn bản và trực tiếp tại các buổi đối thoại đã giúp chính quyền phường và quận Hà Đông thấy những vướng mắc trong giải quyết TTHC. Trong ảnh: Anh Đặng Đình Khoa ở Phú Lãm nêu ý kiến.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diệu Mơ, chủ DN ở Văn Quán có những thắc mắc xung quanh vấn đề cấp giấy phép và các điều kiện khi sản xuất và kinh doanh rượu vang nổ...
Đây chỉ là một số trong hàng chục ý kiến gửi bằng văn bản cũng như phát biểu trực tiếp tại cuộc đối thoại giữa chính quyền quận, phường của Hà Đông với người dân, DN. Theo lãnh đạo UBND phường Phú Lãm, quận Hà Đông và đại diện các phòng, ban chuyên môn: Những vướng mắc và vấn đề người dân chưa hiểu, chưa thực hiện được bởi nhiều lý do,  thông qua đối thoại đã giúp cho người dân cũng như DN được giải đáp ngay tại cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, có những TTHC bắc cầu qua nhiều bộ thủ tục như trường hợp của anh Đặng Đình Khoa, hay việc cấp giấy phép sản xuất rượu thì không chỉ có cán bộ chuyên trách của quận giải quyết được. Do đó, ngay sau hội nghị đối thoại, lãnh đạo quận, phường, cơ quan chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để tìm biện pháp giải quyết. Và có những nội dung phải liên thông với nhiều sở, ngành mới có thể giải quyết được.
 Giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của quận Hà Đông.

Qua đối thoại, cấp phường và quận đã thấy được những TTHC không phù hợp với thực tiễn, hay quy trình giải quyết chưa thực sự thuận lợi cho người dân thì báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết, hoặc đề nghị sửa đổi thủ tục, quy định để phù hợp.
Tính trong 6 tháng, mặc dù phải tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng quận Hà Đông đã tổ chức 4 lần rà soát, công khai TTHC. Đặt trách nhiệm của cán bộ CCVC trong việc làm hài lòng người dân khi phục vụ, thì đối thoại là việc làm gần dân, lắng nghe dân, để tìm ra những vướng mắc. Từ đó, quận Hà Đông tiếp tục đổi mới cách điều hành của lãnh đạo, phòng ban chuyên môn, bộ phận một cửa từ quận xuống phường, xây dựng lại các quy trình giải quyết và rút ngắn thủ tục, giúp cho người dân ngày càng thuận lợi trong giải quyết TTHC.