Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng Hà Nội 6 tháng cuối năm (ngày 28/6), các lãnh đạo ngân hàng cũng cảnh báo nguy cơ một số ngân hàng lợi dụng LS hạ, tỷ giá tăng để kiếm lời bất chính.
Lãi suất huy động giảm mạnh
Ngày 28/6, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa lãi suất VND không kỳ hạn xuống 1,2%/năm; kỳ hạn 3 - dưới 6 tháng là 7%/năm. Mức huy động tại BIDV thấp hơn so với trần quy định từ 0,5 - 1%. Đối với USD, BIDV huy động với lãi suất 0,25%/năm cho đối tượng là tổ chức và 1,25%/năm cho dân cư.
Vietinbank cũng công bố giảm LS huy động bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng xuống 1,2%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 6,5%/năm; từ 1 đến 2 tháng là 6,75% và trên 2 tháng đến dưới 1 năm là 7%/năm. Đại diện Agribank cũng cho biết, bắt đầu từ 28/6, ngân hàng này cũng sẽ hạ LS huy động bằng VND và USD.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá kể từ cuối năm 2011. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh VietcomBank. Ảnh: Thanh Hải
Vietcombank hạ LS tiết kiệm ngắn hạn bằng VND xuống dưới 7%/năm nhưng vẫn giữ LS 2%/năm cho lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn.
Nhiều ngân hàng thương mại như VIB, VietCapital Bank… cũng bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động, hạ LS huy động bằng VND kỳ hạn dưới 1 tháng xuống 1,2%/năm, loại từ 1 tháng đến dưới 12 tháng cũng được huy động ở mức 7%/năm. Từ 12 tháng trở lên là trên 8%/năm. Huy động bằng USD cũng được niêm yết kịch trần 1,25%/năm với các kỳ hạn 1 tháng trở lên.
Sau hơn một năm duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.828 VND/USD, việc NHNN điều chỉnh trần tỷ giá khiến thị trường ngoại tệ như con ngựa được nới cương, ngay lập tức "vươn vai" tăng cả trên thị trường chính thức lẫn tự do.
Đầu giờ sáng 28/6, ngày đầu tiên quy định tăng tỷ giá có hiệu lực, giá USD niêm yết tại nhiều ngân hàng thương mại lập tức tăng mạnh cả chiều mua và chiều bán. Cụ thể, giá USD mua vào - bán ra tại Vietcombank ở 21.180 - 21.220 đồng/USD, tăng 145 đồng chiều mua và 184 đồng chiều bán. Eximbank giao dịch USD ở 21.026 - 21.235 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng tới 199 đồng chiều bán ra
Trên thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD giao dịch ở 21.300 - 21.350 đồng/USD mua vào - bán ra, cao hơn tỷ giá trần hơn 100 đồng/USD.
Nhiều lợi ích, lắm nguy cơ
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng Hà Nội 6 tháng cuối năm, nhiều lãnh đạo ngân hàng đánh giá cao động thái giảm lãi suất và tăng tỷ giá của NHNN. Tuy nhiên, đại diện một số ngân hàng cũng cảnh báo nhiều nguy cơ khi chênh lệch LS giữa VND và USD vẫn tương đối cao, có thể sẽ xảy ra nguy cơ ngân hàng nước ngoài sẽ chuyển đổi USD có lãi suất thấp sang VND để cho DN vay, từ đó hưởng chênh lệch.
Bà Phan Thị Chinh - Phó Tổng Giám BIDV cho rằng, việc giảm trần lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng và tự do hóa LS các kỳ hạn trên 6 tháng sẽ làm thị trường ngân hàng lành mạnh hơn. Nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua, dù thừa vốn nhưng nhiều ngân hàng nhỏ vẫn nâng LS lên cao để tăng sức cạnh tranh.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cảnh báo về nguy cơ các tổ chức tín dụng có thể tranh thủ chênh lệch LS VND và USD để kiếm lợi. Thời gian qua, để cạnh tranh tín dụng, các ngân hàng đua nhau giảm LS cho vay, có ngân hàng giảm lãi về 6%/năm, trong đó, có một số ngân hàng nước ngoài. "Nhưng điều đáng nói là nguồn vốn huy động VND của khối ngân hàng nước ngoài không nhiều. Vậy, họ lấy nguồn đâu để cho vay LS thấp như vậy?" - đại diện một ngân hàng đặt câu hỏi.
Bởi vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng kiến nghị, NHNN cần tìm hiểu hiện tượng này, để có những chấn chỉnh kịp thời, tránh nguy cơ các tổ chức tín dụng nước ngoài tranh thủ chênh lệch LS giữa VND và USD để hoán đổi tiền tệ, kiếm lời bất chính, từ đó gây ra cạnh tranh không lành mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng: Làm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ngành ngân hàng Hà Nội vẫn làm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến 30/6, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 5,74%, tổng dư nợ cho vay tăng 8,52% so với cùng kỳ và tăng 1,68% so với đầu năm. Nhờ đó, nhiều DN đã "sống lại" sau thời gian khó khăn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không có nghĩa là hạ thấp chuẩn tín dụng để các ngân hàng thương mại lại lao vào chu kỳ mới, vòng xoáy mới về nợ xấu. Bởi thế, các ngân hàng phải quản trị tín dụng thật tốt, để tránh những nguy cơ sau này. |