Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Michael Croft |
- Năm 1999, UNESCO đã chọn 5 TP trên khắp thế giới cho danh hiệu này và Hà Nội là TP duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành “Thành phố vì hòa bình”. Tiêu chí của UNESCO là TP đó phải thực sự thể hiện các giá trị và truyền thống cho văn hóa hòa bình. TP Hà Nội được đánh giá cao với nền văn hóa đặc thù, sự hài hòa trong cộng đồng, nỗ lực vì một đô thị xanh, có các chính sách hiệu quả cho thanh niên, người cao tuổi, cũng như quá trình bảo tồn di sản văn hóa.
Giá trị vì hòa bình của Hà Nội thay đổi như thế nào sau 2 thập kỷ, thưa ông?
- Về cơ bản, giá trị của hòa bình là phát triển bền vững, là người với người sống hòa hợp với nhau và hòa hợp với môi trường. Cho tới nay, mục tiêu của Hà Nội vẫn là phát triển bền vững. Hà Nội có nhiều dự án, chương trình mới để duy trì sự phát triển bền vững. Như vậy, hai phiên bản của Hà Nội dù là năm 1990 hay 2019 vẫn có liên kết với nhau.
Có thể nói, những nỗ lực để phát triển bền vững - cốt lõi của văn hóa vì hòa bình vẫn thể hiện tại Hà Nội sau 2 thập kỷ qua. Tới nay, dân số tại Thủ đô Hà Nội đã tăng gấp 3 lần, đồng thời phải đương đầu với mọi thách thức như ô nhiễm môi trường, áp lực lên hệ thống giao thông, giáo dục… Do đó, việc hướng đến phát triển bền vững càng có vai trò quan trọng. Tôi ấn tượng với Hà Nội bởi cách người Hà Nội đối xử với nhau, họ thân thiện và ứng xử như trong một ngôi làng. TP có “linh hồn của một ngôi làng". Điều kỳ diệu đó khiến Hà Nội trở nên vô cùng đặc biệt và cần được gìn giữ.
Theo ông, việc Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai vừa qua có minh chứng vai trò của một “Thành phố vì hòa bình”?
- Có thể nói, đây là “món quà sinh nhật” rất ý nghĩa nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” . Đồng thời sự kiện này cũng là dấu ấn “nhắc nhớ” rõ nhất cho vai trò một “Thành phố vì hòa bình” của thế giới. Đó là lý do khiến trong thời điểm diễn ra hội nghị, chúng ta thấy hình ảnh Hà Nội thân thiện và yên bình xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông từ trong nước đến quốc tế.
Hà Nội và rộng hơn là cả Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc này. Thế giới hiểu hơn về một quốc gia từng trải qua chiến tranh để giành được hòa bình. Và đó là câu chuyện rất có ý nghĩa. Khi nói về lịch sử Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh về văn hóa chiến thắng của hòa bình. Việt Nam là một nơi rất yên bình, thân thiện, hạnh phúc, “một công dân tốt” của toàn cầu.
Hòa bình không phải là điều đến tự nhiên, mà bạn phải chiến đấu để có được hòa bình. Đó là câu chuyện của Việt nam, một ví dụ điển hình cần được quảng bá ra thế giới, khi từ một quốc gia chìm sâu trong chiến tranh vươn lên để trở thành một đất nước hòa bình, hòa hợp và phát triển. Thế giới cần hiểu thêm về điều đó.
Sự kiện này có tạo đà để Hà Nội tiếp tục tổ chức các sự kiện tầm quốc tế khác, cũng như tiếp tục duy trì vai trò “Thành phố vì hòa bình” như thế nào?
- Như tôi đã nói, TP Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và báo chí quốc tế trong suốt 3 ngày Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai. Thông qua đó, thu hút sự chú ý về đất nước Việt Nam như một nơi thú vị để ghé thăm và tất nhiên cũng giúp Hà Nội trở thành “nam châm” thu hút các sự kiện lớn khác, không chỉ các sự kiện chính trị mà cả các lĩnh vực xã hội và văn hóa.
Tuy nhiên, ngay cả trước sự kiện này, Việt Nam vẫn nổi lên là một quốc gia năng động trong khu vực. Sự kiện APEC 2017 đã chứng minh Việt Nam có khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Khi nói đến Hà Nội như một “thành phố sự kiện”, khái niệm mà lãnh đạo TP từng đề cập, tôi nghĩ đó là tham vọng về một đô thị hiện đại, tự tin và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Đó cũng là tinh thần của Việt Nam, khi các bạn đang nỗ lực tạo chỗ đứng trên trường quốc tế.
Vậy, UNESCO sẽ đồng hành với Hà Nội như thế nào để theo đuổi mục tiêu này?
- Chúng tôi rất quan tâm và ủng hộ chính quyền TP Hà Nội trong quá trình chuyển đổi này và đặc biệt, cần dựa trên thế mạnh với những di sản đặc sắc, "linh hồn của một ngôi làng" - nét đặc sắc mà tôi đã đề cập ở trên, những điều này phải được tận dụng để phát triển. Nhưng đồng thời TP cũng có tiềm năng lớn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và đóng góp cho kinh tế cả nước.
Điều đó đặt ra bài toán phải cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản. Văn hóa thực sự có thể phát triển mạnh và trở thành một nguồn lực để phát triển nền kinh tế của đất nước. UNESCO quan tâm đến hỗ trợ chính quyền Hà Nội phát triển và đưa TP tiến lên mà vẫn duy trì các khía cạnh truyền thống.
20 năm là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của Hà Nội. Theo ông, thời gian tới Hà Nội cần làm gì để duy trì thương hiệu “Thành phố vì hòa bình”?
- Một trong những điều Hà Nội cần trăn trở trong dịp kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là: Điều gì cần làm tiếp theo trong 30 - 40 năm tới? Tôi nghĩ rằng những lý do cho giải thưởng được trao cho Hà Nội vẫn còn duy trì nhưng Hà Nội cũng đang thay đổi từng ngày. Hà Nội của năm 1999 rất khác và có một cái nhìn rất khác với thế giới. 20 năm sau, Hà Nội đã tham vọng hơn, hiện đại, trẻ trung và đổi mới hơn. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rằng việc tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” sẽ có lợi cho sự phát triển của Hà Nội. Hiện chưa có TP nào tại Việt Nam tham gia mạng lưới này.
Khi đó, Hà Nội sẽ là một TP kiểu mẫu, không chỉ trong nước mà cả trong khu vực. Về khía cạnh văn hóa, trung tâm của văn hóa là sự đổi mới. Hà Nội là một TP rất văn hóa, điều đó có nghĩa là Hà Nội cũng là một TP rất đổi mới. Sự đổi mới đến từ giới trẻ. Sự hài hòa giữa mới và cũ sẽ có lợi và thu hút tầng lớp lao động trẻ. Đó là cách để định hình cho sự phát triển của TP, cũng như tôn trọng những giá trị truyền thống. Không phải TP nào cũng có thể trở thành TP sáng tạo nhưng Hà Nội có nền tảng cho việc này. Đó có thể là một hướng đi cho một Hà Nội trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
“Điều tôi ấn tượng ở Hà Nội là cách mọi người đối xử với nhau thật tự nhiên, thân thiện, như trong một ngôi làng lớn. Với tôi, cách để tận hưởng Hà Nội đơn giản mà tuyệt vời nhất là đi bộ quanh những góc phố nhỏ. Tôi yêu những ngày mùa Thu tháng 10 khi cả TP đổi màu vì lá rụng, làm tôi nhớ đến quê hương Canada“ - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft |