Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội hiện có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó gần 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 35.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở ban ngành, đoàn thể và xã hội, trẻ em của TP được sống trong điều kiện tốt hơn và có cơ hội phát triển toàn diện hơn. TP Hà Nội đã triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: Khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ em ở tất cả các tuyến.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao 5 trang thiết bị vui chơi cho trẻ em huyện Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì và quận Tây Hồ. |
Hà Nội cũng đã tiếp tục đầu tư cho hệ thống giáo dục các cấp học, nhất là đối với giáo dục mầm non và tiểu học. Năm 2017 đã có 99,3% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp; 540/584 xã, phường, thị trấn được công nhận “xã, phường phù hợp với trẻ em”; trên 99% học sinh tốt nghiệp các cấp. Giáo dục đào tạo của Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về cơ sở vật chất, quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn đang đặt ra cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, các điểm vui chơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích còn cao…
Để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã tập trung làm tốt 5 nhiệm vụ.
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ TP đến cơ sở, tổ chức, gia đình và trẻ em thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em. Nhất là phòng ngừa xâm hại, lạm dụng trẻ em nói chung và phòng ngừa mọi hình thức xâm hại trẻ em trong thế giới công nghệ số.
Thứ hai, tổ chức tập huấn, trang bị cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, những người làm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, cha mẹ, trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Thứ ba, chăm lo thăm tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em, nhất là cho hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 35.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em ở địa bàn khó khăn nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6.
Thứ tư, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em. Kiểm tra, chấm dứt tình trạng các điểm vui chơi bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ở các điểm vui chơi tại cộng đồng.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị vi phạm quyền trẻ em, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Đối với các em, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý an cần căn dặn: “Mùa hè đã đến, cùng với việc nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, các cháu hãy tích cực rèn luyện thân thể, giúp đỡ cha mẹ những công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, đặc biệt hãy trang bị cho mình các kiến thức tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số an toàn”.
Tại sự kiện này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã có những thiết bị vui chơi, các suất học bổng, xe đạp tặng cho các trẻ em học giỏi, những em có hoàn cảnh đặc biệt có học lực tốt.