Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Hà Nội đã tập trung triển khai việc quản lý, khai thác sản phẩm du lịch đêm tại một số địa điểm, trong đó quận Hoàn Kiếm với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chợ Đồng Xuân, phố cổ...
Bên cạnh đó, một số di tích của Hà Nội đã triển khai sản phẩm du lịch đêm như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tới đây là Hoàng thành Thăng Long. Hoạt động du lịch đêm đã mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế, bước đầu tạo hiệu quả kinh tế cho người dân và quận Hoàn Kiếm.
Cụ thể từ tháng 9/2016 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, thu hút 65 cơ sở kinh doanh. Năm 2021, quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung các dự án khác như đầu tư chiếu sáng, nâng cấp các chương trình văn hóa, nghệ thuật tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để tạo chuỗi sản phẩm văn hóa, dịch vụ chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, xây dựng quy chế về tài chính để việc quản lý hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Về phía tỉnh Bình Định, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết, Bình Định đang thiếu sản phẩm du lịch đêm nên những kinh nghiệm xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch đêm sẽ giúp tỉnh Bình Định cơ hội phát triển loại hình kinh tế này.
Tuy nhiên, để các tỉnh trong đó có Bình Định phát triển loại hình kinh tế, dịch vụ này đòi hỏi các TP Hà Nội và tỉnh, thành cần xây dựng có cơ chế phối hợp để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, cũng như có chính sách hỗ trợ cho những hộ kinh doanh trong giai đoạn đầu thực hiện phát triển kinh tế đêm.
Việc khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm đang là một trong những nội dung quan trọng được TP Hà Nội chú trọng triển khai qua đó thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/2/2020.