Tham gia hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Xúc tiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Báo cáo kết quả hợp tác giữa 2 địa phương cho thấy, dù chưa chính thức ký kết các biên bản hợp tác song 2 tỉnh, TP vẫn thường xuyên duy trì nhiều hoạt động giao lưu, triển khai trên một số lĩnh vực công tác và đã có những kết quả bước đầu hiệu quả.
Trong lĩnh vực du lịch, hai địa phương đã phối hợp tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến du lịch thông qua các hội chợ, triễn lãm; hỗ trợ các đoàn famtrip, presstrip khảo sát, học tập kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư về du lịch giữa các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú và các dịch vụ du lịch.
Đối với lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Cà Mau và Hà Nội tại tỉnh Cà Mau năm 2016. Trong đó, có 12 DN thuộc Hà Nội và trên 30 DN, cơ sở sản xuất, Hợp tác xã của tỉnh Cà Mau tham gia trưng bày hàng hóa với khoảng 25 sản phẩm đặc trưng và đã ký được 39 Biên bản ghi nhớ. Thông qua các hoạt động kết nối, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau đã được các DN ở Hà Nội chú ý và các sản phẩm hàng hóa của tỉnh được cung ứng cho một số DN Hà Nội tiếp nhận phân phối tại thị trường Hà Nội đạt kết quả khá tốt và đạt bình quân khoảng 1 tỷ đồng/tháng như: Cua, bánh phồng tôm, tôm khô...
Đáng chú ý, Hà Nội đã thực hiện đầu tư xây dựng công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Khu I (Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) và đường trục chính dẫn vào Cột cờ dài khoảng 240m, rộng 14m với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành và trở thành điểm văn hóa, biểu tượng cho tình cảm đoàn kết gắn bó của Thủ đô với tỉnh Cà Mau. Đây là điểm địa đầu của Tổ quốc với ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý, lịch sử và góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị, hai địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa trong lĩnh vực giao thương, bởi Hà Nội hiện có gần 280.000 DN. Để làm được điều này, các sở, ngành hai địa phương tiếp tục tăng cường chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Hà Nội sẽ giới thiệu các DN có năng lực, công nghệ thực hiện tìm hiểu và đầu tư tại Cà Mau.
Đối với du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, sau sự kiện khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau việc thu hút du lịch sẽ tăng lên. Vì vậy, hai địa phương cần có kết nối và quảng bá để phát huy hiệu quả của công trình. Đồng thời, phối hợp giới thiệu về văn hoá, con người Cà Mau tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số địa điểm phù hợp tại Hà Nội.
Đảm bảo việc hợp tác thiết thực, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, với vị trí địa lý là vùng đất địa đầu của tổ quốc, Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển với nguồn lợi thủy sản và tiềm năng phát triển du lịch với vùng đất mũi. Trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau luôn đoàn kết, phát triển kinh tế khá với hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư được tăng cường, an sinh xã hội đảm bảo.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, mặc dù khoảng cách địa lý xa nhau nhưng với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và tỉnh Cà Mau đã triển khai có hiệu quả. Hai tỉnh, TP đã quan tâm đến tiềm năng, thế mạnh của nhau để triển khai một số hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, dịp này hai bên triển khai hoạt động rất ý nghĩa là khánh thành công trình Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau. Đây sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch trong nước nói chung, Hà Nội nói riêng và qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cà Mau để phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị hai bên chú trọng vào những nhiệm vụ sau: Trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản mới của T.Ư nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị hai tỉnh, TP ngày càng trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng. Tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Tăng cường hợp tác, trao đổi công tác quản lý nhà nước về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng lãnh đạo quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng tỉnh Cà Mau bức tranh thêu Khuê Văn Các. |
Trong phát triển kinh tế-xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, hai bên tập trung thực hiện 10 nội dung hợp tác phát triển trên các lĩnh vực. Trong đó, cần chú trọng lĩnh vực quy hoạch, công nghiệp thương mại, phát triển du lịch, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Nhất là trao đổi thường niên tổ chức ngày văn hóa Cà Mau tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và ngày văn hóa Hà Nội tại Cà Mau. Hợp tác lĩnh vực nông nghiệp, ký kết hợp đồng thường xuyên, xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp tiên tiến để cung cấp cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh Cà Mau nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của Hà Nội trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Hà Nội đã đầu tư xây dựng công trình Cột cờ Hà Nội tại Khu I (Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng và thể hiện tình cảm gắn bó đối với hai địa phương. Những kết quả đạt được đã góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương. Tuy nhiên, quá trình hợp tác còn nhiều lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng. Để xúc tiến hợp tác ngày càng toàn diện hơn trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị, hai địa phương cần thúc đẩy phát triển hợp tác nhằm phát huy tiền năng, lợi thế; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà mỗi bên có lợi thế để hỗ trợ nhau phát triển. Đặc biệt, cần có nhiều hoạt động cụ thể hơn tại Hà Nội để triển khai thực hiện hợp tác.