Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Các hồ giảm ô nhiễm nhờ chế phẩm Redoxy – 3C

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) tổng kết việc xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ trên địa bàn thành phố bằng chế phẩm Redoxy-3C sau 1 năm thực hiện.

Ông Phan Hoài Minh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, sau khi thử nghiệm xử lý nước hồ bằng chế phẩm tại 3 hồ (Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu) vào tháng 8/2016, Công ty đã triển khai nhân rộng việc áp dụng chế phẩm Redoxy-3C xử lý duy trì chất lượng nước các hồ theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Đến nay, đã xử lý được 86 hồ nội thành, 44 hồ ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy-3C. Công ty cũng tiến hành duy trì chất lượng nước các hồ đã được xử lý. Ngoài ra, công ty thực hiện lắp đặt máy sục khí với trên 30 hồ; bè thuỷ sinh với trên 49 hồ và nạo vét bùn đáy 6 hồ (gồm Giáp Bát, Công viên Ngọc Lâm, Cầu Tình, Kim Liên lớn+nhỏ, Hồ Trúc Bạch - phần eo hồ).
 Môi trường nước hồ Thiền Quang đã được cải thiện rõ rệt sau khi được xử lý bằng chế phẩm Redoxy - 3C
Theo đánh giá của Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hầu hết các hồ trên địa bàn các quận trung tâm đã được xử lý triệt để, còn lại 36 hồ chưa thực hiện xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C do các hồ đang cải tạo hoặc chuẩn bị cải tạo (13 hồ), hồ không bị ô nhiễm tại thời điểm kiểm tra chất lượng nước (2 hồ), hồ có quy mô lớn hoặc không đủ điều kiện triển khai xử lý (20 hồ), hồ đang xử lý bằng chế phẩm của Mỹ (1 hồ). Hiện còn 96/140 hồ khu vực ngoại thành chưa xử lý do chưa bố trí được kinh phí...
Chất lượng nước sau khi xử lý theo các số liệu quan trắc đều được duy trì ổn định trong ngưỡng tối đa cho phép của tiêu chuẩn nước mặt. Nước các hồ không còn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tình trạng phú dưỡng. Công nghệ xử lý về cơ bản không gây ảnh hưởng đến một số thành phần thuộc hệ sinh thái thuỷ sinh (tảo và động vật phù du)...
 Toàn cảnh Hội nghị
Ông Ứng Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam đánh giá, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy -3C ở Hà Nội bước đầu có kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc dùng chế phẩm này vẫn cần tiếp tục duy trì và theo dõi xem có vấn đề gì phát sinh, nhất là lớp trầm tích dưới đáy hồ.
Theo các chuyên gia, sau việc sử dụng chế phẩm làm sạch hồ, cần tiếp tục duy trì chất lượng nước hồ, trong đó đáng lưu ý nhất là vấn đề quản lý hồ sau khi được làm sạch. Nói về vấn đề này GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, Hà Nội nên xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng hồ để theo dõi quá trình xử lý. Mỗi hồ có một đặc điểm, mức độ ô nhiễm khác nhau nên cần có hồ sơ quản lý để đưa các giải pháp và tần suất xử lý ô nhiễm cho phù hợp.
Đồng quan điểm này, bà Lê Thanh Hiếu, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội lưu ý, việc sử dụng chế phẩm làm sạch các hồ ở Hà Nội đều được thực hiện bằng tiền ngân sách, vì vậy cần phải có quy trình quản lý, duy trì các hồ sau làm sạch để không lãng phí ngân sách.
 GS.TS Mai Đình Yên phát biểu tại Hội nghị
Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, để đảm bảo bền vững công tác xử lý nước hồ, thì tới đây TP Hà Nội cần có đánh giá, khảo sát toàn diện các hồ để có các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, TP cũng cần đầu tư nguồn lực để tách hoàn toàn nước thải vào hồ. Đối với chính quyền các quận, huyện cần phải tăng cường tuyên truyền để tránh lấn chiếm hồ, xả rác xuống lòng hồ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả thải vào hồ. Cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật ven hồ, xung quanh hồ đối với các hồ đã xuống cấp.
Để môi trường các hồ trên địa bàn TP Hà Nội phát huy được hết các chức năng vốn có của hồ như: điều hoà nước mưa, giảm thiểu ngập úng; cảnh quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; điều hoà vi khí hậu trong khu vực; nơi tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện. Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện công tác xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ và các hạng mục phụ trợ như lắp đặt bè thủy, máy sục khí, nạo vét bùn đáy các hồ để hỗ trợ duy trì chất lượng nước hồ, tạo cảnh quan môi trường hồ. Cho phép triển khai lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ tại các cửa cống xả vào hồ để giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm nước hồ (ngoài các hạng mục phụ trợ trên). Đồng thời nhanh chóng xây dựng quy chế quản lý chất lượng nước các hồ sau xử lý. Nghiên cứu các biện pháp bổ sung hỗ trợ có khả năng xử lý tảo như: thả các loài động vật thủy sinh ăn tảo, quản lý việc đánh bắt cá để tạo ra hệ sinh thái hồ lành mạnh. Bổ sung lắp đặt các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, máy, dụng cụ thể thao xung quanh hồ nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng…