Hà Nội cần cơ cấu lại những ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Là một trong những địa phương chịu tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phát huy vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước", đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Hà Nội giữ được mức tăng trưởng 3,72%
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong những tháng đầu năm, bức tranh kinh tế cũng có nhiều điểm sáng. Đơn cử như lĩnh vực thương mại nội địa đạt mức tăng trưởng 7,4 %, dù thấp hơn so với 10,2 % của cùng kỳ năm 2019 nhưng cao hơn mức tăng chung của cả nước là 4,7 %.
Điều này cho thấy vai trò của Hà Nội là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn của cả nước. Trong quý I/2020, tăng trưởng của Hà Nội giữ được mức tăng 3,72% nhờ duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%), và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,20% do trong tháng 1 và tháng 2 chưa bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.
Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý IV/2019 sang quý I/2020. Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều lĩnh vực giảm mạnh như du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu. Riêng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vẫn có cơ hội phát triển trong năm 2020.
Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong 3 tháng đầu năm, TP Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra với tốc độ tăng trưởng 7,5%.
 Thủ tướng làm việc với TP Hà Nội ngày 20/4

Phát huy vai trò trung tâm kinh tế của cả nước
Mặc dù đánh giá cao việc Hà Nội quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là công tác bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Cần đánh giá kỹ lưỡng đối với các chỉ số tăng trưởng của TP Hà Nội trong 3 tháng đầu năm, nhất là đánh giá những tác động của dịch Covid-19.
Hà Nội là địa phương chịu tác động nhanh và mạnh hơn bởi các thị trường nước ngoài, điều này khiến kim ngạch xuất khẩu Hà Nội trong quý I tăng trưởng âm, trong khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý I tăng 7,5 %.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm tới 27,9%; hàng linh kiện điện tử giảm 32,1%; sắt, thép giảm 19,5%; phương tiện vận tải giảm 30,1%...
“Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sụt giảm mạnh mẽ trong quý I cho thấy TP Hà Nội nên đánh giá lại những tác động của dịch bệnh, qua đó các cơ quan quản lý thấy rõ khó khăn của DN, từ đó đưa ra giải pháp cơ cấu lại những ngành bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nghiêm trọng” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Để phát huy vai trò vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nơi phát luồng hàng, lưu chuyển hàng hóa tới các tỉnh thành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị TP Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối, bán lẻ.
Hà Nội đã có hệ thống hạ tầng thương mại khá hoàn chỉnh và phát triển ở trình độ cao, tuy nhiên, với vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại, cùng với nhu cầu thị trường còn rất lớn, TP cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển thương mại bằng những giải pháp sát với thực tế. Cụ thể có cơ chế, chính sách hỗ trợ và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống phân phối và hạ tầng thương mại; bố trí quỹ đất phục vụ cho phát triển hạ tầng thương mại; các giải pháp phát triển thương mại điện tử...
Cùng với đó, Hà Nội cần phải có kế hoạch hỗ trợ phát triển, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức; Đồng thời xây dựng kênh kết nối các DN và liên kết các khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao với các vùng khác trong cả nước và quốc tế. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch và các giải pháp phát huy vai trò của các làng nghề. Trong đó, cần lưu ý đến công tác quy hoạch sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
“Trong quá trình Hà Nội thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế Bộ Công Thương sẽ đồng hành với TP Hà Nội để cùng bàn giải pháp thực hiện”-  Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần