Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tham dự.Giảm gần 200 phòng, ban, đơn vị sự nghiệpPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Trên tinh thần Nghị quyết 39, bám sát quan điểm chỉ đạo, kế hoạch đề ra, TP Hà Nội đã khẩn trương, nghiêm túc rà soát hoàn thiện, bổ sung quy định chức năng nhiệm vụ, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, thống nhất số lượng, cơ cấu các phòng, ban; số cán bộ cấp trưởng, phó. Kiên quyết sắp xếp, hợp nhất, giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả kéo dài hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức lại các đơn vị theo hướng giảm chi ngân sách, tăng dần tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn kinh phí.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Đến nay, qua rà soát, sắp xếp, TP Hà Nội đã giảm 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 171 trưởng, phó các phòng, ban. Cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian thời gian bổ nhiệm. Về tinh giản biên chế, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ở khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến đến năm 2017 giảm 69 biên chế so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 9,94 tỷ đồng/năm); đến năm 2020 giảm 413 người so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 59,5 tỷ đồng/năm). Tại khối các cơ quan chính quyền, Hà Nội đã giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm; Giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP cho 115 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 110 người nghỉ hưu trước tuổi, 1 người chuyển sang các cơ sở không sử dụng ngân sách nhà nước và 4 người thôi việc ngay. Tổng kinh phí chi trả thực hiện chế độ tinh giản biên chế là 9,84 tỷ đồng.Năm 2016, Hà Nội giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế). TP phấn đấu đến năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015. "Đối với viên chức, Hà Nội kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng cho lĩnh vực y tế và giáo dục theo đúng định mức quy định tại các văn bản của T.Ư", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá của Thành ủy cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những kết quả trên, quá trình thực hiện vẫn còn hạn chế, vướng mắc bởi nhận thức của một số ít cán bộ, đảng viên, nhất là tại các đơn vị phải kiện toàn, sắp xếp lại còn chưa thật sự yên tâm, tin tưởng, cá biệt còn có ý kiến hoài nghi vì đã nhiều lần tinh giản biên chế nhưng kết quả đạt được chưa cao. Một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư sau sắp xếp, bố trí lại còn lo lắng, tâm tư về chế độ, chính sách, có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ và trong năm 2016, sẽ hoàn thiện phê duyệt Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao, hoàn thành trước một năm so với yêu cầu của Nghị quyết 39.Sẽ tiếp tục giảm nữa Tham gia làm rõ những vấn đề đoàn kiểm tra quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, điểm khó nhất trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức là phải đảm bảo thông suốt về nhận thức. Đối với thành phố Hà Nội, quá trình sắp xếp đảm bảo đúng quy định, không gây xáo trộn về tư tưởng của cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy cũng như hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu gọn đầu mối trên tinh thần một người một việc từ thành phố đến cơ sở.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc |
"Chắc chắn, thời gian tới Hà Nội sẽ giảm biên chế hơn nữa. Ví dụ, công tác quản lý quảng cáo trước giao cho 5 bộ phận, nay dồn về 1 bộ phận thuộc Sở Văn hoá; việc quản lý chiếu sáng trước kia liên quan đến 3 đơn vị, nay thu gọn về 2 đơn vị là Sở văn hoá, Sở xây dựng. Khó khăn nhất của Thành phố là bảo đảm sự thông suốt về chỉ đạo, nhận thức, cách làm và phương pháp. Trong thời gian tới, lãnh đạo TP sẽ tiếp tục trực tiếp đối thoại với cán bộ chủ chốt các sở, phòng, ban, tạo sự đồng thuận, thông suốt", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.Đề cập những bất cập về bộ máy biên chế trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, thương mại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu đề xuất một số cơ chế, chính sách thu gọn đầu mối, giảm chi ngân sách và tăng cường các dịch vụ cung ứng. Đối với tổ chức bộ máy cán bộ xã phường thị trấn, tới đây sẽ giảm số lượng thông qua việc tăng cường hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị với Đoàn kiểm tra về việc đẩy mạnh cải cách cổ phần hoá DN theo hướng cổ phần hóa 100% các DN đó. Với các đơn vị sự nghiệp công lập, nên chuyển sang hình thức dịch vụ cung ứng và mạnh dạn tư nhân hoá, chỉ còn giữ lại các sở, ngành đơn thuần liên quan đến quản lý nhà nước, hậu kiểm.Hà Nội phải tiên phongĐánh giá cao sự nghiêm túc, quyết liệt, triển khai bài bản với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ Hà Nội và có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về công tác cán bộ, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính – Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội trong quá trình triển khai và đề nghị thời gian tới Thành ủy cần thống nhất việc triển khai thực hiện trong cấp ủy, lãnh đạo, có quyết sách chính trị để quyết làm được cho tốt. Đảm bảo thông tin minh bạch trong quá trình làm để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, sự ủng hộ của Nhân dân, chú trọng xây dựng đảng về đạo đức và phát huy mối quan hệ mật thiết với Nhân dân.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc |
Để việc tinh giản biên chế có hiệu quả, đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, Hà Nội nên tập trung vào những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách (như y tế, giáo dục, nông nghiệp). “Tôi biết có những trường học có đến 8 – 10 nhân viên quét dọn, rồi 5 bảo vệ. Những việc như thế có thể thuê ngoài, đỡ gánh nặng ngân sách”, đồng chí nói. Bên cạnh đó, cần tách dịch vụ công ra khỏi quản lý Nhà nước; sắp xếp lại các ban quản lý dự án, văn phòng của các ban đảng…"Chúng tôi hi vọng Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 39 một cách linh hoạt, hiệu quả", đồng chí Phạm Minh Chính nói.Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cũng gợi ý TP Hà Nội nghiên cứu, xây dựng phương án ký hợp đồng có thời hạn với viên chức; bổ nhiệm có thời hạn với công chức, “tránh tình trạng có vào mà không có ra, thiếu tính cạnh tranh”. Tiếp thu các ý kiến của Đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định TP sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để khắc phục các hạn chế và triển khai 10 định hướng. Trong đó trước hết phải đảm bảo thống nhất, thông suốt về nhận thức trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp, làm tốt hơn công tác đối thoại, công khai, minh bạch để đội ngũ cán bộ công chức – những người chịu tác động trực tiếp thấy rõ sự cần thiết của chính sách tinh giản biên chế. Hà Nội đang triển khai xây dựng đề án khuyến khích cán bộ công chức tự nguyện xin tham gia công việc khác để thực hiện tinh giản biên chế. Việc ký quy chế hợp tác giữa Thành ủy và Ban Tổ chức T.Ư sẽ giúp phát hiện và xây dựng cơ chế cho những mô hình mới trong quá trình thực hiện, để Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị triển khai thành công, đạt hiệu quả hiệu lực và sáng tạo.