Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Chuẩn bị, tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 8/2019 của UBND thành phố.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND thành phố.
Thu, chi ngân sách đảm bảo

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2019.
 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 8/2019 của UBND thành phố.
Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố 8 tháng đầu năm 2019 đạt 170.623 tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm 39.686 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 12.759 tỷ đồng (đạt 28,4% dự toán), chi thường xuyên là 26.500 tỷ đồng (đạt 55,8% dự toán).

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Tháng 8 ước đạt 1.788 triệu USD, tăng 3,3% so tháng trước và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng xuất khẩu trong tháng tăng cao so cùng kỳ: như giày dép các loại và sản phẩm từ da, hàng gốm sứ, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may… Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm trước như hàng nông sản; xăng, dầu; điện thoại và linh kiện giảm; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm.

Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 10.719 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Tháng 8 đạt 2.340 triệu USD, tăng 5,4% so tháng trước và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 20.317 triệu USD, tăng 1% so cùng kỳ năm trước.

Đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 3.363 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 8,5% so với thời điểm cuối năm 2018. Lượng tiền gửi đạt 3.206 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,3% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,2% và tăng 8,9% … Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt 2.026 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 8,3% so với thời điểm cuối năm 2018.

Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 754 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.052 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%. Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố: Tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 16,2%; cho vay xuất khẩu chiếm 8,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 7,8%; cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 7,5%; cho vay bất động sản chiếm 6,8% trong tổng dư nợ cho vay...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 8 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,51% so tháng 12/2018 và tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng tăng 3,92% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Trong tháng Tám, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,62% ; tiếp theo là nhóm giáo dục tăng 0,99% so với tháng trước. Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 0,41% so với tháng trước do giá xăng dầu trong tháng điều chỉnh giảm.

Các ngành kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Tháng 8 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tương ứng 3,9% và tăng 9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng tương ứng 2,2% và 8,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng tương ứng 2,2% và 10,7%; riêng công nghiệp khai khoáng tăng 1,5% so với tháng trước nhưng giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước do Thành phố chủ trương cấm khai thác cát, đá sỏi và đá núi.
 Toàn cảnh hội nghị
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 28,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội Tháng 8đạt 231 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước; Tính chung 8 tháng đầu năm đạt 1.789,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 47,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh doanh vận tải tăng trưởng tốt, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải Tháng 8 ước đạt 9.638 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018.

Khách du lịch đến Hà Nội trong Tháng 8 đạt 2,529,3 nghìn lượt, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 541,3 nghìn lượt, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 380 nghìn lượt, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước); khách du lịch nội địa ước đạt 1.988 nghìn lượt, tăng 35,2% cùng kỳ năm trước.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8,71 nghìn tỷ đồng, tăng 35,2% cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn trong tháng đạt 64,2%, tăng 2,87% cùng kỳ, giảm 3,2% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội đạt 19,31 triệu lượt khách, tăng 9,5% cùng kỳ năm trước, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 67,22 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% cùng kỳ năm trước.

Dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp
Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, giá bán ổn định, dịch bệnh không phát sinh; các cơ sở chăn nuôi tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng quy mô đàn. Tính đến nay, đàn gia cầm có 34,2 triệu con, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó đàn gà 24 triệu con, tăng 15,4%). Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra; đàn trâu hiện có 24,1 nghìn con, giảm 0,8% so cùng kỳ; đàn bò 135 nghìn con, tăng 3,1%.

Chăn nuôi lợn trong tháng vẫn gặp khó khăn; dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn. Đàn lợn trên địa bàn ước có 1.150 nghìn con, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 26/8/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 29.178 hộ chăn nuôi (chiếm 36 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) thuộc 2.325 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và tiêu hủy 507.235 con (chiếm 27 % tổng đàn) với trọng lượng 34.850 tấn.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 223 xã, phường, thị trấn và 4 quận (Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc bệnh tại hộ có dịch được tiêu hủy theo đúng quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh

UBND TP tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai. Tổ chức triển khai Nghị quyết của HĐND Thành phố về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty và Nghị quyết về hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 5,81 tỷ USD trong đó: cấp mới 540 dự án, vốn đăng ký 283,5triệu USD; 130 lượt dự án tăng vốn 362,3triệu USD và 743 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trị giá 5,17 tỷ USD.
 Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2019.
Thu hút đầu tư trong nước, trong 8 tháng đầu năm đã quyết định chủ trương đầu tư 26 dự án đầu tư ngoài ngân sách, tổng vốn 17,24 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 57 dự án trong đó điều chỉnh vốn 36 dự án tăng thêm 17,11 nghìn tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm, có 18.576 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 233,25 nghìn tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 25% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt 271.913 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.034 doanh nghiệp (tăng 75% so với cùng kỳ). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng, giải quyết đúng thời hạn.

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư để phục vụ công tác GPMB các dự án trọng điểm của Thành phố. Hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù và kế hoạch cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Triển khai xây dựng các Đề án Xây dựng nhà tái định cư, nhà ở xã hội và dự thảo quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu cơ bản phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch, trọng tâm là 20 quy hoạch phân khu tại các huyện, đô thị vệ tinh như Sóc Sơn (6 khu), Xuân Mai (3 khu), Phú Xuyên (2 khu), Sơn Tây (9 khu) và dự kiến lập 04 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc .

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các đồ án đặc thù, lần đầu triển khai trên địa bàn Thành phố như quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc, quận Hà Đông và Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận trung tâm; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ... nhằm hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khung về giao thông; đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị. Cụ thể, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành giao thông vận tải, hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai đề án Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp; Kế hoạch Phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.

TP đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình giao thông trong danh mục các dự án trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Tiếp tục xây dựng danh mục xén mở rộng mặt đường trên địa bàn 12 quận nội thành; phương án đầu tư các cầu đi bộ trên địa bàn Thành phố; đề xuất xây dựng cầu đi bộ trên đường Láng và cầu cho xe đạp kết hợp cho người đi bộ qua sông Tô Lịch.

Triển khai các bước tổ chức đấu thầu 6 bến xe. Xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn Thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức hợp đồng BOO.

Ngoài ra, trong tháng 8, các vấn đề như cấp nước sạch được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; Thoát nước và xử lý nước thải được duy trì; hệ thống hồ trên địa bàn tiếp tục được quan tâm cải tạo; Tiếp tục duy trì và trồng bổ sung cây xanh; đảm bảo chiếu sáng và vệ sinh môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt; công tác tuyên truyền được quan tâm.

Hệ thống thông tin liên lạc được duy trì tốt, đảm bảo hoạt động thông suốt. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thành phố Hà Nội năm 2019; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 dùng chung.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông như: Phát triển các trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng trên địa bàn; nghiên cứu triển khai chuyển đổi IPv6 của các cơ quan Nhà nước; hoàn thiện Quy định về thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật) trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2019, Thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9, cụ thể như:

Tập trung thực hiện hiệu quả 76 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 12/CTr-UBND ngày 10/01/2019 của UBND Thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các chỉ số còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh vật nuôi và cây trồng, tập trung kiểm soát và dập dịch tả lợn Châu Phi. Triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng chống thiên tai năm 2019, nhất là công tác tiêu thoát nước mùa mưa.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gắn với tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia.

Hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hệ thống trường học; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới ở các cấp, ngành học. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị thi, tuyển viên chức trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, khu dân cư thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ; lập phương án thoát nạn khi xảy ra cháy tới từng hộ dân; thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn trong các đám cháy.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân; chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố.Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ chương trình làm việc của Lãnh đạo Thành phố với các tỉnh, thành phố theo kế hoạch.

Kiểm tra VSATTP bánh trung thu, bếp ăn trường học

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong tháng 8, TP nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao như kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người. Trong đó, vấn đề trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, nhất là tại các sự kiện, lễ kỷ niệm cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo các nước tại Hà Nội.

Tháng 9/2019, TP có nhiều sự kiện, trong đó có nhiệm vụ diễn tập phòng thủ của TP, Chủ tịch đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện tốt.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện trong thời gian tới, trong đó yêu cầu các đơn vị nêu cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường thanh kiểm tra công vụ; đảm bảo an toàn giao thông; chống ùn tắc giao thông, quản lý, bảo trì các công trình giao thông; kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, bãi xe không phép; tổ chức xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư lĩnh vực khách sạn, giải trí, trung tâm mua sắm nước ngoài… Chủ tịch cũng yêu cầu các sở chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là bánh trung thu, bếp ăn của các trường học. Trong đó công bố công khai nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường để giáo viên và phụ huynh nắm được và cùng giám sát.