Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2019, toàn TP có 330 máy cấy (trong đó 280 máy cấy lúa 4 hàng, 36 máy cấy lúa 6 hàng và 14 máy cấy lúa 8 hàng); diện tích lúa được cấy bằng máy đạt trên 5.000ha, chiếm 2,7%.
Gieo cấy lúa bằng mạ khay cấy máy tại huyện Mỹ Đức |
Mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy là rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy phát triển rất chậm. Qua thực tiễn cho thấy, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là nguyên nhân chính, ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất mạ khay, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động. Từ năm 2014 - 2019, Trung tâm đã hỗ trợ 17 dây chuyền gieo mạ khay tự động, năng suất gieo trung bình của 1 dây chuyền đạt 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2ha lúa, giúp giảm chi phí sản xuất từ 180.000 - 200.000đồng/ha so với gieo mạ khay theo phương pháp thủ công bằng giàn đẩy tay. Đến nay, toàn TP có khoảng 35 dây chuyền gieo mạ khay tự động và 114 giàn gieo đẩy tay đang hoạt động.
Cùng với hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Năm 2019, hỗ trợ gieo 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400halúa/2 vụ, tại 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa và Đông Anh.
Vụ Mùa 2020, hỗ trợ 6 máy cấy lúa, 4 dây chuyền gieo mạ khay tự động và xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400 ha lúa tại 8 huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên.
Theo đó, các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống (45 kg/ha), 50% giá thể gieo mạ (1.200 kg/ha) và 50% khay nhựa gieo mạ (270 khay/ha). Kết quả, lúa canh tác bằng mạ khay máy cấy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha. So với canh tác truyền thống, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm chi phí sản xuất từ gần 3,9 - 5,45 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, thông qua hỗ trợ xây dựng các mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, mô hình sản xuất mạ khay đã giúp hình thành được 7 trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota Việt nam tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Ứng Hòa và Thanh Oai, với năng lực sản xuất 25.000 - 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm, phục vụ cho việc mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.
Các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp tại hội thảo |
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy mang lại hiệu quả rõ rệt: Giảm chi phí sản xuất từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 10 - 15% so với cấy lúa truyền thống, giúp nông dân giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, thực tế, diện tích lúa cấy bằng máy trên toàn TP còn rất khiêm tốn, chỉ hơn 2%.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, thời gian tới, TP cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mỗi huyện, thị xã thành lập từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ.
Đối với các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc cơ giới hóa khâu gieo cấy, qua đó, nông dân tự tin hơn khi áp dụng phương pháp tiên tiến này.