Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: “Cò đất” thổi giá bất động sản tại khu Hòa Lạc

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, giá đất nền khu vực Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) liên tục được chào bán tăng mạnh do thông tin có dự án mới sắp được triển khai. Nhưng thực tế, đây chỉ là chiêu trò thổi giá của “cò đất” tại khu vực này.

Giá đất thực không “sốt”
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày gần đây, rất nhiều khách đến hỏi mua đất nền tại khu vực xã Đồng Trúc và Hạ Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), khiến cho khung cảnh mua bán tại vùng quê này trở nên tấp nập lạ thường.
Đất nền được chào bán nhan nhản tại khu vực Hòa Lạc. Ảnh: Doãn Thành.
Chị Nguyễn Thị Tuất - chủ quán nước giải khát tại khu vực cầu chui dân sinh số 15, Đại lộ Thăng Long cho biết: “Hàng ngày, nhiều đoàn người đi ô tô về khu vực này ghé vào quán của tôi để hỏi thăm tình hình đất đai và những người môi giới khi có khách đến cũng hẹn ở đây để trao đổi về giá bán. Có người hỏi mua với diện tích hàng nghìn mét vuông”.
Khảo sát thực tế tại khu vực xã Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), giá đất nền tại thời điểm hiện tại được ghi nhận trong khu dân cư khoảng 6 - 7 triệu đồng/m2, tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước Tết; giá đất mặt đường lớn đạt mức 17 - 18 triệu đồng/m2, ngang bằng so với trước Tết.
Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng Nguyễn Văn Trường cho biết, giá đất trên địa bàn xã có tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết nhưng không có tình trạng tăng vọt như đồn thổi. “Sở dĩ giá đất tại địa bàn ghi nhận có tăng nhẹ vì ở xã Hạ Bằng không còn nhiều đất trống để bán” - ông Trường cho hay.
Trong khi đó, xã Đồng Trúc là địa bàn ghi nhận giá đất có sự tăng vọt trong những ngày gần đây, do nằm gần với khu công nghệ cao Hòa Lạc. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi cho biết, theo thông tin từ người dân thì giá bán được chào ở mức trên chục triệu đồng/m2, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm trước Tết.
Không khó để tìm ra những địa chỉ môi giới đất tại khu vực Hòa Lạc. Ảnh: Doãn Thành.
Lý giải về việc giá đất tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho rằng, do trên mạng xã hội có thông tin khu vực xã Đồng Trúc có một dự án lớn về khu đô thị sắp được khởi công xây dựng, do đó “cò đất” đã dựa vào thông tin này để nâng giá bán.
“Mặc dù thực tế, giá đất tại khu vực này có tăng nhẹ, nhưng những thông tin tăng giá đất một cách đột biến hoàn toàn là do môi giới “thổi” lên, chứ việc này không có thực. Thực hiện chủ trương của TP về việc phòng chống đại dịch Covid-19, ngay sau khi nhận được thông tin có nhiều người tập trung để mua bán đất, chúng tôi đã cử lực lượng chức năng đến tuyên truyền và giải tán đám đông. Vì vậy, việc tập trung đông người để hỏi mua đất tại xã Đồng Trúc chỉ diễn ra trong khoảng 3 - 4 ngày” - ông Nguyễn Đình Nghi nói.
Cẩn trọng rủi ro
Theo ông Nguyễn Đình Nghi, người dân cần hết sức cẩn trọng với những thông tin về dự án mới tại các khu vực, khi chưa có văn bản chính thức từ chính quyền và cơ quan chức năng. Đơn cử, tại xã Đồng Trúc khi trên mạng tràn ngập thông tin về dự án khu đô thị mới, thực tế chính quyền địa phương vẫn chưa hề hay biết về vấn đề này.
“Chính quyền UBND xã Đồng Trúc chưa nhận được bất cứ văn bản nào của TP hay của huyện nói về việc có dự án sắp được triển khai tại khu vực này, vì vậy người dân cần phải hết sức cẩn trọng để không gặp phải những rủi ro về tài chính” - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết thêm.
Một số dự án mở đường và thông tin về dự án đô thị mới giúp cho ''cò đất'' dựa vào để thổi giá. (Ảnh: Doãn Thành).
Liên quan đến vấn đề này, theo TS Đoàn Văn Cương - chuyên gia tài chính, trong thời điểm hiện tại khi các hoạt động của thị trường BĐS gần như bị dừng lại vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc người dân có tâm lý mua đất để chuẩn bị đầu tư khi hết dịch là điều hết sức hoan nghênh. Sự quan tâm của người dân sẽ góp phần làm cho thị trường nhanh chóng ổn định trở lại.
“Huyện Thạch Thất là địa bàn có giá đất thấp hơn rất nhiều so với các khu vực gần trung tâm. Trong khi đó, khu vực này còn được quy hoạch là khu công nghệ cao của TP nên việc người dân tập trung về đây mua đất để đầu tư cũng là điều dễ hiểu” - ông Cương nhìn nhận.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực Hòa Lạc đã trải qua 2 đợt sốt đất, vào thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính và khi dự án khu công nghệ cao đi vào thực hiện. Ghi nhận ở thời điểm hiện tại, giá đất bình quân tại khu vực này đạt mức 5 - 7 triệu đồng/m2 (những khu vực giáp mặt đường lớn mức tăng cao hơn - PV), tăng nhiều so với thời điểm 2008 - 2009, ở mức 500.000 đồng - 1 triệu đồng/m2.
Nhiều dự án nhà ở trên trục Đại lộ Thăng Long vẫn vắng bóng người ở. (Ảnh: Doãn Thành).

Việc tăng giá đất trong 10 năm qua tại khu vực Hòa Lạc được ghi nhận là do có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là giao thông (tuyến Đại lộ Thăng Long - PV) và 2 dự án trọng điểm là Khu công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia.
“Đây đang được xem là giai đoạn “đỉnh” của đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường tiếp đà giảm sút từ năm 2019. Nên việc tăng giá đất đột biến ở thời điểm này là khó có khả năng xảy ra, nếu có thì chỉ do môi giới đang làm cho thị trường “sốt ảo”. Người dân cần đặc biệt cẩn trọng, nếu chỉ vì các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ vì Covid-19 mà “liều mình” đi đầu tư đất nền để lướt sóng thì không nên” - TS Đoàn Văn Cương nhận định.
Ngoài ra, các chuyên gia và nhà quản lý cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, khi tiến hành giao dịch BĐS bất kỳ ở khu vực nào cũng cần phải kiểm tra tính pháp lý rõ ràng; đồng thời liên hệ với các cơ quan chức năng để kiểm chứng về thông tin dự án sắp được triển khai tại khu vực mong muốn đầu tư, tránh trường hợp “ôm” đất sau đó bị “chôn vốn” hoặc lâm vào cảnh tiền mất - tật mang.