Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội công bố kế hoạch cải thiện PCI

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính sẽ được công khai, thông tin cho doanh nghiệp (DN). Đây là cam kết của UBND TP Hà Nội trong kế hoạch nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2011 - 2015 nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

Duy trì các chỉ số có vị trí cao

Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội qua nhiều năm vẫn được chấm điểm cao. Vì thế, trong Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội quyết tâm phát huy lợi thế là trung tâm giáo dục đào tạo của cả nước, nỗ lực hơn trong công tác quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với mục tiêu giúp cho DN giảm chi phí tuyển dụng và giảm chi phí đào tạo lao động, nâng cao sự hài lòng của DN đối với chất lượng lao động. Hà Nội chủ trương khuyến khích các DN tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao; kêu gọi đầu tư xây dựng một số trường đào tạo công nhân có trình độ quốc tế; hoàn thành xây dựng trung tâm đào tạo nghề quy mô lớn tại Đông Anh.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ DN như: Hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, quảng bá thương hiệu; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá đúng tình hình, làm rõ khó khăn, vướng mắc của DN để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; tăng cường công tác xúc tiến thương mại… Những biện pháp này là để duy trì tốt chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN trong 4 năm tới.

Chỉ số thiết chế pháp lý cũng được quan tâm nhằm duy trì lòng tin của DN với các văn bản quy phạm pháp luật của UBND, HĐND TP. Hà Nội sẽ có cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ để đảm bảo mọi phản ánh, khiếu nại của DN đều được ghi nhận và trả lời.

Nỗ lực cải thiện các chỉ số yếu kém

Sở dĩ vị trí của Hà Nội trên bảng xếp hạng PCI năm 2010 bị rớt 10 bậc từ 33 xuống 43 là do có tới 6/9 chỉ số liên tục bị chấm điểm thấp. Đáng ngại nhất là chỉ số chi phí gia nhập thị trường, để cải thiện chỉ số này Hà Nội chủ trương xây dựng và hướng dẫn quy trình, thủ tục liên quan đến gia nhập thị trường cho DN công khai trên cổng thông tin điện tử thành phố và website của Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công Thương; Tiến hành rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận kinh doanh không cần thiết. Mặt khác, áp dụng rộng rãi hình thức đăng ký kinh doanh, hải quan, đăng ký đầu tư… trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ.

Năm 2010, Hà Nội đứng cuối bảng về tiếp cận đất đai, vì thế giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm từ 2011 - 2015 ở cả 3 cấp: Thành phố, quận, huyện và xã, phường. Việc làm này nhằm minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tiếp tục khai thác 9 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, dành quỹ đất cần thiết để xây dựng các khu, cụm công nghiệp tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý; bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật ổn định… Đáng chú ý là kể từ năm 2012, Thành phố sẽ đưa chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố giao kế hoạch hàng năm cho các đơn vị.

Các năm trước, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí gia nhập thị trường của Hà Nội bị đánh giá rất thấp, thậm chí là không bằng các tỉnh nghèo khó hơn như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Quảng Trị. Vì thế, trong các năm tới, Thành phố cam kết 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính sẽ được công khai, thông tin cho DN, cán bộ công chức sẽ được chuẩn hóa về thái độ, trình độ, nhận thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc. Mục tiêu phấn đấu là trên 90% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn, trong đó 30% được giải quyết trước hạn. Ngoài ra, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, chính quyền Thành phố cũng sẽ được chú trọng. Các cơ chế chính sách sẽ được vận dụng một cách sáng tạo nhằm tạo thuận lợi cho DN trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Hà Nội không đặt ra chỉ tiêu thứ hạng PCI cụ thể, nhưng hy vọng với bản Kế hoạch vừa công bố, điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thủ đô trong 4 năm tới sẽ được cải thiện theo hướng tích cực.