Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội công bố phương án kiến trúc cầu Tứ Liên

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/6, Sở QH-KT Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn Mặt trời và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam, Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án kiến trúc cầu Tứ Liên đã được tuyển chọn.

Các đơn vị ký nhận bàn giao hồ sơ phương án kiến trúc cầu Tứ Liên. 
Theo Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên của UBND TP Hà Nội, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL5, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4.84km. Với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu Tứ Liên được các chuyên gia của tập đoàn T.Y.Lin đến từ Mỹ đưa ra ý tưởng về phương án kiến trúc là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.
Hình dáng cây cầu dây văng mang đậm nét về lịch sử và văn hóa Thủ đô Hà Nội, thiết kế ý tưởng có tính biểu tượng của Thành phố vì Hòa Bình gắn với chiều dài lịch sử, ngàn năm văn hiến của Thủ đô, hài hòa với cảnh quan đô thị xung quanh; kết hợp giữa yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của Hà Nội với phong cách kiến trúc hiện đại và trở thành điểm nhấn cảnh quan về đô thị, điểm đến về du lịch của Thủ đô Hà Nội.
 Phối cảnh kiến trúc cầu Tứ Liên.
Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo quy hoạch sẽ xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó 8 cầu đã xây dựng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh; cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; cầu Việt Trì - Ba Vì kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C thuộc địa phận Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Thời gian tới sẽ xây dựng mới 10 cầu gồm: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).
Cầu Tứ Liên là cầu quan trọng trong số các cầu dự kiến xây dựng mới trong khu vực đô thị trung tâm, kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của Đông Anh với trung tâm TP.
Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, sau khi xem xét các phương án thiết kế do các đơn vị tư vấn lập, Hội đồng tuyển chọn đã duyệt phương án thiết kế của Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin đề xuất. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Công ty TNHH Quốc tế T.Y.Lin tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm 2 phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên khác nhau để có sự so sánh.
Sở QH-KT Hà Nội đã lấy ý kiến các chuyên gia, chấm điểm xét chọn của các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP và Hội đồng tuyển chọn về 3 phương án của công ty này lập. Cuối cùng phương án được lựa chọn để triển khai các bước tiếp theo là phương án 1 (mã số 136) do Công ty cổ phần tập đoàn Mặt trời và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam đề xuất với phương án kiến trúc nêu trên.
“Việc nghiên cứu thiết kế đã được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng đảm bảo để lựa chọn được các phương án thiết kế chất lượng, khả thi đưa vào triển khai thực hiện” - Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.