Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đã làm tốt công tác đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 4/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Đề án "Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính trị từ Trung ương đến cơ sở".

Cùng dự có Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các đồng chí Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ làm việc với đoàn.Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về "Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội" và 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn".

Trên cơ sở Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X), Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, bố trí phân công cán bộ, hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc của các đơn vị, bảo đảm đúng yêu cầu, nguyên tắc và quy định của T.Ư đề ra. Tổ chức hoạt động của các Ban Đảng và Văn phòng Thành ủy; UBND TP và các cơ quan chuyên môn; MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội đã thực sự tinh gọn, hiệu quả hơn, tránh được chồng chéo trùng lắp trong từng lĩnh vực và phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Qua đó nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của cơ sở, góp phần quan trọng vào việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của TP và mỗi đơn vị.

Hà Nội đã làm tốt công tác đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp - Ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo ban, ngành T.Ư tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), trên địa bàn TP đã tạo ra bước chuyển biến mới về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức ngày càng chặt chẽ, được thực hiện bài bản, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị. Nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức có nhiều đổi mới, tiến hành phân cấp rõ cả về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành hướng mạnh về cơ sở, sát địa bàn, sát dân hơn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP đã làm rõ thêm một số vấn đề và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở. Đối với các cơ quan chính quyền, bên cạnh những kết quả tích cực về bộ máy linh hoạt, gọn nhẹ hơn, vẫn còn tồn tại một số bất cập ở các sở, ngành. Ví dụ, lĩnh vực công chính thuộc Sở Xây dựng thay vì Sở GTVT quản lý, lĩnh vực thi đua khen thưởng thuộc Sở Nội vụ chưa thực sự hợp lý, Sở VHTT&DL gồm quá nhiều đầu việc... gây khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động. TP đề nghị T.Ư tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh mô hình hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn; có sự chỉ đạo đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế của TP; nghiên cứu, thống nhất công chức cấp xã như công chức cấp huyện; cải tiến chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ công chức và phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách, cán bộ không chuyên trách được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện… Những vấn đề khác như phân định vai trò của chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, vai trò của HĐND cấp xã, phường, thị trấn có cần thiết trong bối cảnh hiện nay hay không; định biên của hệ thống chính trị cơ sở; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, mô hình hoạt động của chi bộ, tổ chức Đoàn thanh niên khu dân cư... cũng đã được các đại biểu trao đổi, làm rõ.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao kết quả triển khai 2 Nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội. Đồng chí nhấn mạnh, Đề án "Tiếp tục hoàn thiện tổ chức hệ thống chính trị từ T.Ư đến cơ sở" có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đất nước, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính trị. Trong đó, một số vấn đề lớn là cần làm tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên cơ sở phù hợp với thực tiễn tình hình nước ta nhưng cũng phải mang tính phổ quát, gắn kết với sự vận động không ngừng của thế giới.

Từ những kinh nghiệm của Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Ban chỉ đạo đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ những vấn đề về biên chế, chế độ chính sách, kiểm tra giám sát thực tế trong điều kiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành. Đặc biệt nghiên cứu làm thế nào để hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội không sa vào hành chính hóa, phát huy hiệu quả đúng mức đúng tầm; tăng cường kiểm tra, giám sát để giảm tiêu cực trong bộ máy, hạn chế được những cán bộ thoái hóa, biến chất. Đây là những cách làm tổng thể để tránh được những thiếu sót khuyết điểm hiện nay trong hoạt động của Đảng và bộ máy chính quyền, tránh tình trạng suy thoái, bệnh quan liêu, xa dân như Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đã nêu.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về kiểm tra, thị sát tình hình hoạt động của hệ thống chính trị phường Quảng An, quận Tây Hồ. Chủ tịch nước cho rằng đội ngũ cán bộ cơ sở cần tăng cường học tập và vận dụng linh hoạt những lời dạy sâu sắc mà dễ hiểu, dễ nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi công việc. Đây chính là chìa khóa giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, củng cố chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu quả, vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân tốt hơn.