Buổi tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng 62 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2016).Sau hơn một tháng triển khai thí điểm, không gian tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã thu hút được sự quan tâm của xã hội. Rất nhiều lợi ích mới cũng như một số hạn chế đã phát sinh. Tại buổi tọa đàm, dưới góc nhìn kiến trúc, để giải quyết nhược điểm cũng như phát triển không gian đi bộ hiệu quả nhất, các kiến trúc sư đến từ các cơ quan quản lý, trường Đại học, tổ chức tình nguyện trong nước đã cùng hai chuyên gia đến từ Nhật Bản và Mỹ thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để cùng “Chung tay xây dựng không gian đi bộ an toàn cho Hà Nội”.
Bà Debra Efroymson - Giám đốc vùng của HealthBridge Canada cho hay: “Các phố đi bộ ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Bắt đầu từ Copenhagen và dần lan ra khắp thế giới dưới các hình thức: khu đi bộ, phố đi bộ Chủ nhật hay phố đi xe đạp. Hiện tại mô hình này vẫn đang được tiếp tục và ngày càng phát triển. Những thành phố sống tốt nhất trong các bảng xếp hạng thường xuất hiện tiêu chí ưu tiên, chiêu đãi người đi bộ khi tăng không gian công cộng, chất lượng sống ở các thành phố”Về cơ bản, các chuyên gia quy hoạch đô thị đều đồng tình rằng, khu vực hồ Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính- chính trị của Thủ đô, là hạt nhân đô thị lịch sử, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, điểm kết nối giao hòa giữa khu vực Thành cổ - Khu phố cổ - Khu phố cũ, nơi có cảnh quan thiên nhiên cây xanh mặt nước- văn hóa- kiến trúc, môi trường sinh thái-nhân văn, vật thể và phi vật thể đã hình thành từ nhiều đời nay. Nơi đây lưu giữ quá trình phát triển đô thị qua các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc và hiện nay bằng không gian đô thị, các công trình kiến trúc tiêu biểu đồng thời là ”lá phổi xanh” của khu vực trung tâm Thành phố. Do đó, nhất thiết phải thiết lập không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả, nhằm nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường cảnh quan của khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nâng cao giá trị trung tâm, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô. Về một số giải pháp thực hiện quy hoạch không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, ThS. KTS Nguyễn Đức Hùng - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề xuất: “Đáng chú ý nhất là cần nghiên cứu, tổ chức luồng tuyến giao thông hợp lý, thuận tiện tiếp cận với không gian đi bộ, gắn với đó là hệ thống bến bãi đỗ xe hiện đại, giá thành hợp lý, phục vụ văn minh. Đồng thời nghiên cứu tổ chức hệ thống giao thông công cộng thuận lợi kết nối với bên ngoài. Tổ chức tuyến xe điện, xe đạp thân thiện với môi trường kết nối với các khu vực đi bộ khác trong khu vực.”“Phố đi bộ Hà Nội đang bước đến một tương lai xanh hơn, phát triển bền vững hơn như nó tiếp tục vươn lên từ nền tảng Thăng Long/ Kẻ Chợ Hà Nội.” KTS Lương Văn Sơn - Chi hội KTS HACID nhấn mạnh.