Được biết, 3 mỏ cát được đấu giá quyển khai thác là: Mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Liên Mạc (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) và Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì).
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Nguyễn Anh Quân khẳng định, việc xác định trữ lượng đã được thực hiện các bước theo đúng qui định và việc phiên đấu giá đạt được giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm là do nhu cầu của người tham gia đấu. Tại Điều 21 Nghị định 22/2012/NĐ-CP qui định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng nêu rõ, người điều hành phiên đấu giá tiến hành phiên đấu giá theo hình thức đấu giá bằng phiếu kín trực tiếp từng vòng đấu giá, liên tục không gián đoạn trong suốt phiên đấu giá. Sau mỗi vòng đấu giá, người điều hành phiên đấu giá thông báo công khai mức trả giá cao nhất của vòng bỏ phiếu.
Cũng theo lãnh đạo Sở TN&MT, việc triển khai kế hoạch đấu giá 3 mỏ cát nói trên nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thành phố; phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt là góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố hiện nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau khi trúng đấu giá, các doanh nghiệp sẽ có 10 ngày để nộp tiền và làm các thủ tục tiếp theo. Mức tiền ban đầu mà 3 doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp lần 1 tối thiểu là 50 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ được nộp trong vòng 5 năm. Thời gian khai thác các mỏ cát sẽ căn cứ vào trữ lượng khai thác hàng năm của doanh nghiệp, nhưng không kéo dài quá 30 năm. Sau đó, doanh nghiệp nếu chưa khai thác hết trữ lượng cát có thể xin TP Hà Nội tiếp tục gia hạn.