Nhu cầu lớn
Hà Nội là thị trường có tiềm năng tiêu thụ thịt bò lớn, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 100.000 tấn thịt bò. Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và từ nước ngoài. Do đó, dư địa về thị trường để ngành chăn nuôi bò thịt phát triển ở Hà Nội là rất lớn. Mặt khác, Hà Nội cũng là địa phương có điều kiện tốt để phát triển, chăn nuôi đại gia súc. Với hơn 60% dân số sản xuất nông nghiệp, cùng với điều kiện tự nhiên chia ra các vùng rõ rệt: Vùng đồi núi, bán sơn địa, vùng bãi ven sông, vùng đồng bằng và vùng chiêm trũng. Cùng với đó là nguồn thức ăn dồi dào, vì vậy, phát triển chăn nuôi bò thịt bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt là giải pháp cấp thiết hiện nay.
Mới đây TP đã phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2020. Mục đích của chương trình nhằm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi Hà Nội, phát triển chăn nuôi bền vững, tạo sản phẩm thịt bò chất lượng, ATVSTP. Dự kiến hàng năm sản xuất được 5.100 con bê thương phẩm, cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao. |
Huyện Phúc Thọ cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi bò trong vài năm gần đây. Hiện tổng đàn bò của huyện là 8.000 con. Theo, bà Bùi Thanh Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện, người chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, từ việc giá lợn giảm mạnh đến đại dịch tả châu Phi nên nhiều hộ có mong muốn chuyển đổi vật nuôi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội Hoàng Kim Vũ: Trong vài năm gần đây chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn TP có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn, hiệu quả kinh tế cao. Ước tính đàn bò trên địa bàn TP khoảng 134.400 con, sản lượng ước đạt 5.350 tấn thịt... Việc đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt là xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu của thị trường được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn.
Đi theo hướng chất lượng cao
Trước hàng loạt vấn đề về ATVSTP hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người chấp nhận mua sản phẩm với giá cao, miễn là hàng hóa phải có chất lượng tốt, đáng tin cậy. Bởi vậy, khi các “cường quốc bò thịt” như Úc, Mỹ, Hàn Quốc… vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Do đó, sản phẩm thị bò trong nước muốn tiêu thụ được phải nâng cao chất lượng tuân thủ các quy định về ATVSTP. Để không bị "thua ngay trên sân nhà", người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý, đặc biệt là trong xây dựng thương hiệu. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cần hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hiện trên địa bàn TP đã hình thành 39 xã, vùng chăn nuôi trọng điểm. Để nâng cao chất lượng đàn bò, TP đã đưa các giống bò mới vào triển khai nhân rộng như bò BBB, Wagyu, Angus, Droughmaster… cho hiệu quả kinh tế cao và chất lượng thịt ngon hơn. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%, tổng số bê thịt sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 55.000 con. Về cơ cấu giống có 65% bò lai Zebu, 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu. BBB…), bò vàng địa phương 5%. Công tác phát triển giống theo 3 nhóm chiến lược chuyên thịt, chuyên thịt chất lượng cao, kiêm dụng. Theo ông Đăng, để phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao cần phát triển theo chuỗi khép kín, trong đó lấy DN làm đầu tàu. Cùng với đó phải xây dựng vùng an toàn, xã an toàn dịch bệnh, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sản phẩm.