Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho các tập thể. Ảnh: Thái San |
100% đơn vị cấp xã áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn Hà Nội là TP đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Việc này không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các cơ quan trực tiếp thực hiện.Ngoài ra, có thể tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác cải cách hành chính như: Giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, giảm chi phí đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác đăng ký hộ tịch tại cơ sở còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn từ các quy định hiện hành. Trong đó có việc khai sinh, tử, thay đổi họ, tên, việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa có quy định điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch vẫn nảy sinh khó khăn, vướng mắc cần giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, Hà Nội luôn phát huy những kết quả đạt được, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dânTheo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung, qua 3 năm triển khai Luật Hộ tịch, quận Ba Đình đã giải quyết hơn 100 hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cơ bản đúng trình tự, công dân hài lòng, nhưng vẫn phát sinh một số vướng mắc. Trong đó, các quốc gia có những quy định pháp luật khác nhau, một số giấy tờ xác minh bên thứ 3 có yếu tố nước ngoài không kịp thời khiến cán bộ cơ sở lúng túng trong xử lý.Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng cho hay, số lượng hồ sơ hành chính lĩnh vực tư pháp – hộ tịch cấp xã, phường thường chiếm trên 80% số hồ sơ hành chính. Trong khi, cán bộ tư pháp – hộ tịch thường phải đảm nhiệm khối công việc lớn, gặp nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục. Do đó, ứng dụng CNTT trong công tác hộ tịch vừa là xu thế, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc để hoàn thành công việc.Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hộ tịch, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng chính phủ điện tử. Việc thi hành Luật Hộ tịch đã nhận được sự vào cuộc của chính quyền các cấp, từ TP đến cấp xã, phường. Tuy nhiên, việc số hóa dữ liệu hộ tịch hiện nay đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn kinh phí triển khai.Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng cam kết sẽ cùng các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm của ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác hộ tịch. Đồng thời nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ làm trực tiếp công tác hộ tịch tại cơ sở nhằm phục vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công dân.Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn TP.