90% hộ dân được tiếp cận nước sạch
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong năm 2023, TP có thêm 15 xã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, thuộc các huyện: Sóc Sơn: 6 xã, Ứng Hòa: 5 xã, Mỹ Đức: 4 xã.
Tính đến nay, đã có 289/413 xã thuộc Hà Nội được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung. Tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%. Hiện, còn 124 xã chưa có đường ống cấp nước sạch về các khu dân cư nông thôn.
Việc chậm trễ trong thực hiện đầu tư mạng lưới cấp nước sạch nông thôn có nhiều nguyên nhân. Nổi cộm là việc các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện dự án cấp nước nhưng không triển khai.
Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, từ năm 2017, liên danh Công ty CP Aqua One và Công ty CP nước mặt sông Đuống đã được UBND TP Hà Nội giao triển khai mạng lưới nước sạch cho các xã nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
Từ khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội điều chỉnh lại vùng cấp nước sạch để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Hiện, UBND TP Hà Nội đã giao hàng chục doanh nghiệp triển khai cấp nước cho 100% số xã còn lại theo hình thức xã hội hóa.
Riêng với 3 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, do không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung, TP đã giao huyện thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Hiện, các dự án đang được tích cực triển khai.
Vận động người dân sử dụng nước sạch
Có một thực tế hiện nay là tại nhiều địa phương, dù đường ống cấp nước sạch đã được cấp đến tận hộ gia đình, nhưng người dân lại không mặn mà sử dụng nước sạch. Số khác chỉ sử dụng rất hạn chế cho mục đích ăn uống. Trước tình trạng này, UBND các huyện, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền mạnh về nguy cơ mất an toàn của việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Trước mắt, huyện yêu cầu các nhà trường phải đăng ký sử dụng nước sạch để phục vụ học sinh.
“Địa phương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp quản lý trạm cấp nước tập trung thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước. Thực hiện việc gửi mẫu xét nghiệm nước định kỳ về UBND huyện để phối hợp giám sát, tuyên truyền công khai giúp người dân yên tâm sử dụng…”- ông Nguyễn Đình Sơn nói thêm.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, khi Đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội đi chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thì tiêu chí “chất lượng môi trường sống” ở các xã thường không đạt điểm tối đa. Nhiều xã có chỉ tiêu “tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung” đạt thấp.
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, trong năm 2024, Hà Nội phấn đấu người dân tại 124 xã còn lại sẽ được tiếp cận nước sạch; qua đó hoàn thành trước 1 năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về chỉ tiêu 100% số xã trên địa bàn TP được tiếp cận nguồn nước sạch.
Để hoàn thành được mục tiêu này, trong thời gian tới, kiến nghị Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ các dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, bảo đảm hoàn thành cấp nước sạch cho 100% số xã còn lại trong năm 2024.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch. Phối hợp với các đơn vị cấp nước phân tích mẫu nước để thông tin đến người dân ủng hộ, sử dụng nước sạch, cải thiện chất lượng môi trường sống, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội.
Đến hết năm 2023, 100% số xã thuộc các huyện: Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây đã được lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tập trung.