Thứ nhất, Dự án Cải tạo, nâng cấp đê hữu Hồng kết hợp làm đường giao thông (phương án nâng cấp toàn bộ tuyến đê hữu Hồng từ K26+600 đến K117+900), trong đó, giai đoạn 2012-2015 thực hiện hai đoạn (đoạn một từ K2+115 đến K15+200 đê Vân Cốc huyện Phúc Thọ và Đan Phượng dài 13.085m; đoạn hai từ K70+500 đến K76+800 đê hữu Hồng, quận Hoàng Mai dài 6.300m; tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.355 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Thứ hai, Dự án Xử lý cấp bách hộ chân chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng và sông Đuống trên địa bàn Hà Nội (phương án nghiên cứu tổng thể bãi sông các tuyến hữu Đà, tả Hồng, hữu Hồng, tả Đuống, hữu Đuống) bằng cách hộ chân chống chống sạt lở hơn 50km, trong đó: Năm 2012, Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn ngân sách thành phố đã đầu tư xây dựng kè hộ chân 9.011m; năm 2013, kiến nghị thực hiện đầu tư tại 9 vị trí với chiều dài 10.150m (đây là các khu vực đang sạt lở mạnh, đe doạ đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản các hộ dân sống ven bờ sông tại các khu vực Đông Quang – Cam Thượng (huyện Ba Vì), Xuân Phú – Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Phú Minh – Thuỵ Phú (huyện Phú Xuyên), Chu Phan – Thạch Đà (huyện Mê Linh), Đại Mạch – Võng La và Đông Hội – Đông Ngàn (huyện Đông Anh), Đông Dư – Bát Tràng và Đặng Xá – Lệ Chi (huyện Gia Lâm), kinh phí đầu tư khoảng 320 tỷ đồng.
Thứ ba, Dự án Đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (đây là dự án trọng điểm của thành phố, đang được triển khai rất khẩn trương nhằm đáp ứng tiến độ trong năm 2014 hoàn thành công trình đầu mối và đoạn lòng dẫn từ cống đầu mối Lương Phú đến cống Chuốc bảo đảm thông dòng sông Tích; đến năm 2016 hoàn thành giai đoạn I từ cống đầu mối Lương Phú đến cầu Trắng, thị xã Sơn Tây. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được những nhu cầu cấp bách về cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, tiêu thoát nước, cải thiện môi trường... với tổng mức đầu tư 6.914,346 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án được ghi trong Nghị quyết số 881/2010/NQ-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là 831,726 tỷ đồng), việc bố trí vốn ngân sách thành phố, huy động từ các nguồn khai thác quỹ đất của địa phương trong vùng dự án và các nguồn vốn khác để thực hiện dự án này gặp nhiều khó khăn...
Thành phố Hà Nội có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài gần 470km, trong đó hơn 231km đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống có nhiệm vụ trực tiếp phòng, chống lũ, bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt, tuyến đê hữu Hồng qua địa bàn Hà Nội dài 128,8km, trong đó hơn 37,7km qua nội thành là đê cấp đặc biệt, còn lại là đê cấp I.
Trong những năm qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo và sự quan tâm của Chính phủ, các bộ. ngành, thành phố Hà Nội đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, xử lý chống sạt lở bờ bãi sông, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ hiệu quả, bảo vệ an toàn Thủ đô, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội của thành phố...